"Tôi vui mừng thông báo... rằng Tổng thống Erdogan đã đồng ý chuyển văn bản gia nhập của Thụy Điển tới đại hội đồng quốc gia và hợp tác chặt chẽ với hội đồng để đảm bảo việc phê chuẩn" - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một cuộc họp báo trước thềm hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự ở Vilnius (Litva) tuần này.
Ông Stoltenberg đã gặp Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trước thềm hội nghị để vượt qua bế tắc kéo dài nhiều tháng. Ông từ chối đưa ra mốc thời gian cụ thể mà Thụy Điển sẽ được quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua phê chuẩn và chính thức gia nhập.
Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, bỏ qua các chính sách không liên kết quân sự kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua tại các nước này kể từ Chiến tranh Lạnh. Trong khi các đơn xin gia nhập liên minh phải được tất cả các thành viên NATO chấp thuận, Phần Lan đã được thông qua hồi tháng 4 năm nay, còn Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đã trì hoãn việc thông qua đối với Thụy Điển.
Tổng thống Erdogan từng chỉ trích Thụy Điển "chứa chấp" các thành viên của các nhóm chiến binh người Kurd (PKK) - những người mà ông cáo buộc đã tổ chức các cuộc biểu tình và tài trợ cho các nhóm khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Stockholm của Phần Lan cũng khiến ông Erdogan giận dữ.
Trong khi đó, Thụy Điển cho biết họ đã đáp ứng tất cả các yêu cầu thỏa thuận trong các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái, bao gồm cả việc đưa ra một dự luật mới về chống khủng bố tại nước này.
Văn phòng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 6/7 vừa qua cũng đã ra thông báo rằng Budapest sẽ không ngăn cản việc phê chuẩn Thụy Điển là thành viên NATO.
Ở một diễn biến khác, các thành viên NATO được cho đang bị chia rẽ gay gắt trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius về cách xử lý "câu hỏi tế nhị" về tư cách thành viên trong tương lai của Ukraine.
Những thành viên NATO ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất, bao gồm các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan, muốn liên minh gửi một tín hiệu rõ ràng rằng việc Kiev gia nhập chỉ còn là vấn đề thời gian, thay vì là chỉ là một khả năng được hứa hẹn. Nhưng Mỹ và Đức đã tỏ rõ ý định tránh bất kỳ tuyên bố nào như vậy.
Trả lời phỏng vấn CNN hôm 9/7, Tổng thống Joe Biden không cho rằng Ukraine đã sẵn sàng tham gia liên minh quân sự lớn nhất thế giới, với lý do Kiev cần phải cải cách hơn nữa và "dân chủ hóa". Ông cũng lưu ý rằng việc mời Ukraine tham gia ngay bây giờ đồng nghĩa với việc ký kết chiến tranh với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng chỉ điểm ý tưởng Ukraine gia nhập NATO là một phần lý do cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow, là điều "sẽ không thể chấp nhận được" đối với Nga. Một số nhà phân tích tin rằng Điện Kremlin sẽ duy trì xung đột để ngăn chặn điều này, đặc biệt nếu Ukraine nhận được bất cứ đảm bảo nào về việc trở thành thành viên NATO sau chiến tranh.
Trong các phát biểu gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã coi tư cách thành viên NATO như một sự đảm bảo thiết yếu cho an ninh lâu dài của đất nước ông, đặc biệt là sau 500 ngày chiến đấu chống lại Nga. Ông đã đe dọa không tham dự lời mời đến hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius nếu NATO không có cam kết rõ ràng về câu hỏi tư cách thành viên.
Tổng thống Biden dự kiến sẽ có các cuộc gặp với ông Zelensky, cũng như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, tại Vilnius.