Thỏa hiệp bất thành

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm đối phó với nguy cơ tiếp tục xảy ra cuộc chiến về ngân sách giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ khi Quốc hội chuẩn bị thảo luận vấn đề nâng trần nợ vào tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 30/7 đã có một đề xuất đầy bất ngờ.

Theo đó, Tổng thống Mỹ đã đề xuất giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 28% và thậm chí xuống 25% đối với các doanh nghiệp sản xuất. Ngoài ra, ông Obama cũng muốn áp thuế tối thiểu đối với lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài, coi đây là công cụ để hạn chế tình trạng trốn thuế. Để đổi lại nhượng bộ về giảm thuế, đảng Cộng hòa phải đồng ý với đề xuất tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng như cầu, đường hay đầu tư cho giáo dục, thúc đẩy sản xuất và tạo việc làm. Tuy nhiên, quyết định thỏa hiệp trên của ông Obama không nhận được phản ứng như mong đợi từ phía đảng Cộng hòa. Người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện John Boehner, ông Michael Steel, cho rằng, đề xuất của ông Obama chỉ có lợi cho mong muốn cải cách thuế và kế hoạch chi tiêu Chính phủ của Tổng thống mà bỏ rơi doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình Mỹ. Diễn biến này cho thấy, sự khác biệt trong cách thức giải quyết bài toán cân đối ngân sách và tăng trưởng giữa đảng Dân chủ - đảng Cộng hòa vẫn còn khá xa và khả năng xảy ra một cuộc chiến về ngân sách tại Quốc hội là khó tránh khỏi.

 
Thỏa hiệp bất thành - Ảnh 1
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
 

Nếu Quốc hội không đạt được thỏa hiệp về vấn đề chi tiêu ngân sách vào cuối năm tài khóa kết thúc vào tháng 9, Chính phủ Mỹ có nguy cơ phải đóng cửa khi mọi hoạt động chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội… bị ngưng trệ. Những công chức Chính phủ liên bang không có lương sẽ phải cắt giảm chi tiêu, dẫn đến lòng tin tiêu dùng có thể sẽ xuống thấp vào lúc mà tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao xấp xỉ ở mức 9%. Hậu quả của cuộc chiến ngân sách được dự đoán là vô cùng thảm khốc và vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ sẽ bị đe dọa.

 

Trên thực tế, việc Detroit – TP từng được mệnh danh là “Paris của vùng Trung Tây nước Mỹ” đệ đơn xin phá sản cách đây ít ngày đã phát đi hồi chuông cảnh báo về sự sụp đổ của một số bang có nền kinh tế phục thuộc vào sản xuất công nghiệp. Detroit là một trong những TP của Mỹ gần như hoàn toàn phụ thuộc vào ngành công nghiệp sản xuất ô tô với ba đại gia Chrysler, General Motor và Ford. Tuy nhiên, kể từ khi hãng General Motor và Chrysler được Chính phủ Mỹ giải cứu năm 2009, hai đại gia này vẫn chưa tìm lại chính mình và phải cắt giảm hàng ngàn nhân công, khiến nền kinh tế lâm vào tình trạng giảm phát kéo dài. Nếu vấn đề ngân sách sẽ tiếp tục được đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sử dụng như một công cụ để phục vụ cho mục đích chính trị, nhiều khả năng sẽ có thêm nạn nhân rơi vào tình cảnh giống Detroit.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần