kết thúc phiên họp chính sách tại Vienna (Áo) hôm 7/12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, đã nhất trí cắt giảm khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ ngày - cao hơn nhiều kỳ vọng trước đó của thị trường, nhằm cân bằng thị trường để phục hồi giá dầu mỏ.
Theo thỏa thuận mới đạt được, từ tháng 1/2019, các nước sản xuất dầu mỏ OPEC sẽ chính thức cắt giảm sản lượng khai thác mỗi ngày 800.000 thùng tổng cộng so với mức của tháng 10 vừa qua, trong khi các nước ở ngoài OPEC sẽ cắt giảm 400.000 thùng mỗi ngày. Tới tháng 4/2019, các bên sẽ nhóm họp để đánh giá kết quả.
Giá “vàng đen” đã liên tục lao dốc mạnh kể từ tháng 10 trong bối cảnh xuất hiện các dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu, với giá dầu Brent mất gần 30% giá trị.
Các nhà phân tích cho rằng việc các nước trong và ngoài OPEC kỳ vọng thỏa thuận cắt giảm sản xuất sẽ giúp đẩy giá dầu lên mức 70 USD/thùng trong ngắn hạn là điều khó khả thi trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, giá dầu mỏ không chỉ phụ thuộc vào yếu tố về nguồn cung, mặt hàng này cũng chịu ảnh hưởng khá lớn từ triển vọng nhu cầu trên thị trường toàn cầu.
Trái ngược với nhận định triển vọng giá dầu tới 100 USD/thùng, giới phân tích hiện đang đưa ra giả thiết giá “vàng đen” có thể lao dốc xuống 40 USD/thùng. Tuy nhiên, OPEC sẽ không để kịch bản này thành hiện thực, tổ chức này đang đặt mục tiêu kéo giá dầu lên mức 70 USD/thùng trong những tháng đầu năm 2019.
Trước đó, giá nhiên liệu tăng vọt chạm đỉnh hơn 4 năm hồi tháng 10 vừa qua do lo ngại các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ của Iran khiến nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn. Song, giá “vàng đen” liên tục rớt giá thảm hại một phần do chính quyền Tổng thống Donald Trump miễn trừ tạm thời cho phép 8 nước được nhập khẩu dầu thô từ Iran .
Vì vậy, chính quyền Mỹ có thể thay đổi điều khoản miễn trừ đối với các nước nhập khẩu dầu từ Iran, điều này có thể làm xáo trộn thị trường dầu một lần nữa trong thời gian sắp tới.
Theo số liệu mới nhất, dự báo triển vọng nhu cầu dầu mỏ tăng khoảng 1,4 triệu thùng cũng đang bị đe dọa trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang tăng chậm lại.
Nhu cầu dầu mỏ tại các thị trường kinh tế mới nổi được dự báo không tăng cao, trừ Ấn Độ, do lo ngại về chiến tranh thương mại toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục gây thất vọng, thương mại toàn cầu suy giảm và kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Điều này cùng với xung đột thương mại Mỹ - Trung và triển vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang đe dọa đà phục hồi của giá dầu mỏ trong ngắn hạn.
Với bối cảnh đó, Brian Coulton - chuyên gia kinh tế trưởng của Tổ chức đánh giá Fitch, nhận định: "Việc kinh tế toàn cầu giảm tốc mà chúng tôi dự báo hiện đang trở thành hiện thực. Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2018 ở mức 3,3%, sau đó tăng lên 3,1% vào năm 2019 và lại giảm xuống dưới 3% trong năm 2020".
Bên cạnh đó, việc sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ bùng nổ trong thời gian qua cũng gây áp lực lớn đối với thị trường năng lượng. Dựa trên báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu mỏ của nước này có thể lên tới 12,4 triệu thùng trong năm 2019. Điều này cũng hạn chế phần nào đến hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh trong năm 2019, đồng thời việc đẩy giá dầu lên mức 70 USD/thùng dường như khó trở thành hiện thực.