Thời gian là vàng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Hàn Quốc hôm qua 3/7 đã thảo luận và đi tới quyết định cuối cùng về dự thảo ngân sách bổ sung quy mô 11.800 tỷ won (khoảng 10,5 tỷ USD) tại cuộc họp nội các nhằm hồi phục nền kinh tế bị đình trệ sau dịch MERS và ổn định dân sinh.

Ngoài ra, Chính phủ cũng bổ sung thêm 3.100 tỷ won (khoảng 2,7 tỷ USD) chi tiêu vốn, 2.300 tỷ won (khoảng 2 tỷ USD) đầu tư cơ quan Nhà nước, 4.500 tỷ won (tương đương 4 tỷ USD) hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với 21.700 tỷ won (tương đương 19,4 tỷ USD), đây được coi là gói kích thích tăng trưởng toàn diện và kịp thời sau khi nền kinh tế Hàn Quốc phải chịu cú sốc đột ngột từ dịch MERS, tình trạng hạn hán và xuất khẩu suy giảm. Trong số ngân sách bổ sung, 5.600 tỷ won (khoảng 5 tỷ USD) sẽ được giải ngân để bù đắp nguồn thu thuế bị thiếu hụt so với dự kiến ban đầu, 6.200 tỷ won (5,5 tỷ USD) được dùng để tăng chi tiêu tài chính.
Gói ngân sách bổ sung sẽ dành một phần để hạn chế tác động tiêu cực do dịch MERS gây ra.
Gói ngân sách bổ sung sẽ dành một phần để hạn chế tác động tiêu cực do dịch MERS gây ra.
Theo từng hạng mục, 2.500 tỷ won (2,2 tỷ USD) sẽ được giải ngân để khắc phục dịch MERS, 1.700 tỷ won (1,5 tỷ USD) để đầu tư vào lĩnh vực an toàn và kích thích kinh tế khu vực, 1.200 tỷ won (khoảng 1 tỷ USD) để ổn định đời sống người dân như tạo việc làm cho tầng lớp thu nhập thấp, 800 tỷ won (715 triệu USD) cho đối sách với hạn hán và mưa lũ.
Xuất khẩu của Hàn Quốc không giữ được đà tăng trưởng là một phần nguyên nhân buộc chính phủ phải tung gói ngân sách bổ sung.
Xuất khẩu của Hàn Quốc không giữ được đà tăng trưởng là một phần nguyên nhân buộc chính phủ phải tung gói ngân sách bổ sung.
Chính phủ kỳ vọng sau khi gói ngân sách bổ sung được giải ngân, tăng trưởng kinh tế sẽ tăng thêm 0,3% trong năm nay và 0,4% trong năm sau, tạo mới 124.000 việc làm. Mục tiêu này khiến không ít người thắc mắc bởi với số tiền lớn như vậy, hiệu quả mà nó mang lại cho nền kinh tế lẽ ra phải lớn hơn con số 0,3% tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là phải có sự cân bằng giữa kích thích kinh tế và độ bền vững tài khóa. Theo đó, thay vì bơm tiền vào nền kinh tế để kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn, chính phủ có thể đầu tư nhiều hơn cho việc nâng cao tiềm năng tăng trưởng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch dần lỗi thời.

Bên cạnh mục tiêu kích thích tăng trưởng, điều khiến nhiều chuyên gia lo lắng là sự gia tăng không thể tránh khỏi của nợ công sau khi phát hành trái phiếu quốc gia. Trên thực tế, trong gói ngân sách bổ sung, có khoảng 8,6 tỷ USD sẽ được huy động từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ nên tỷ lệ nợ quốc gia trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng thêm 1,8%, thành 37,5%. Dù con số này nhỏ hơn nhiều so với mức nợ “khủng” của các nền kinh tế phát triển khác nhưng Hàn Quốc không thể chủ quan bởi chỉ khi ngân sách bổ sung có thể mang tới sự phục hồi kinh tế vững chắc thì sức khỏe tài chính của ngân khố quốc gia mới được đảm bảo.
Hàn Quốc đang đối mặt với nhiều nguy cơ của nền kinh tế và đe dọa sự ổn định, thịnh vượng của quốc gia.
Hàn Quốc đang đối mặt với nhiều nguy cơ của nền kinh tế và đe dọa sự ổn định, thịnh vượng của quốc gia.
Theo kế hoạch, ngày 6/7, chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo ngân sách bổ sung và đến ngày 20/7 các nhà lập pháp có phiên thông qua dự luật này. Chỉ có điều chưa chắc phe đối lập dễ dàng thông qua dự luật này với lý do chính phủ của đảng cầm quyền muốn dùng gói ngân sách có nhiều chính sách dân túy để lôi kéo lá phiếu của cử tri trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Tuy nhiên, điều mà nền kinh tế Hàn Quốc cần nhất bây giờ là thời gian và tốc độ thông qua dự luật chính là chìa khóa của gói ngân sách bổ sung. Vì thế, chính giới hy vọng, thành viên đảng đối lập có thể gạt sang một bên những toan tính riêng để tập trung cho  lợi ích quốc gia.