Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thời trang Việt chật vật tìm chỗ đứng

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, hàng loạt thương hiệu thời trang nước ngoài liên tục “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam, tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt với hàng Việt.

Sắp tới đây, khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, nhiều vấn đề mới sẽ đặt ra với các DN dệt may trong nước và buộc các DN phải thích ứng để hàng Việt không bị lép vế trên sân nhà.
Thời trang ngoại đổ bộ 
Trước đây, khi muốn mua hàng hiệu, người tiêu dùng phải đặt từ nước ngoài, nhưng hiện hàng loạt thương hiệu lớn lần lượt đổ bộ vào thị trường Việt Nam nên người tiêu dùng có rất nhiều lựa chọn. Hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ hàng trung bình đến cao cấp như: Chanel, Giovanni, Mango, Zara, H&M, Uniqlo... đã có mặt tại Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu: Sự xuất hiện của nhiều nhãn thời trang nước ngoài tại thị trường nội địa cho thấy, các hãng thời trang thế giới đang rất quan tâm tới Việt Nam bởi đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn.
 Người tiêu dùng mua đồ thời trang Uniqlo tại siêu thị Vinmart Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Thu Hương
“Gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 9/2016 đến nay, doanh thu của Zara Việt Nam đã không ngừng tăng cao, trung bình đạt doanh thu 2,8 tỷ đồng/ngày. H&M sau 2 năm kinh doanh tại Việt Nam đã mở 6 cửa hàng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh” - bà Hậu nêu ví dụ.
Không tiết lộ chi tiết về kết quả kinh doanh tại Việt Nam, nhưng Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á Fredrik Famm đánh giá: Việt Nam là thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng, dự kiến Việt Nam trở thành thị trường thứ 68 của H&M toàn cầu.
Theo khảo sát trực tuyến gần đây của hãng Nielsen, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về yêu chuộng hàng hiệu, 56% người Việt sẵn sàng chi tiền mua hàng hiệu, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%).
Còn theo Công ty nghiên cứu thị trường Statista (CHLB Đức), quy mô thị trường thời trang Việt Nam năm 2019 ước đạt 5,6 tỷ USD, dự kiến trong giai đoạn 2019 - 2023 sẽ đạt mức tăng trưởng 8,8%/ năm. Số liệu này cho thấy, điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, người Việt ngày càng quan tâm đến trang phục nên sức tiêu thụ mặt hàng thời trang cũng tăng lên.
Doanh nghiệp trong nước trỗi dậy
Việc xuất hiện nhiều thương hiệu thời trang quốc tế đã tạo áp lực với các nhà sản xuất trong nước và buộc họ phải đa dạng hóa sản phẩm ở mọi phân khúc từ cao cấp đến bình dân, đặc biệt giá bán phải rẻ hơn hàng ngoại nhưng chất lượng không thua kém.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết: Ngành Dệt may Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19 đang không ngừng cải tiến mẫu mã để kích cầu tiêu dùng từ đó gia tăng thị phần. Chẳng hạn nhãn hiệu thời trang Canifa bên cạnh việc mở rộng nhãn hàng thời trang cho thiếu nhi đã bắt đầu khai thác thị trường phía Nam với hệ thống cửa hàng có mặt tại các siêu thị Vincom.
Còn theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt: DN thời trang Việt Nam đang có những bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng. “May 10 cũng cho ra mắt dòng sản phẩm cao cấp Eternity GrusZ được các nhà tạo mẫu chuyên nghiệp trong nước và quốc tế thiết kế, giá bán sản phẩm từ 700.000 đồng đến trên 2 triệu đồng/sản phẩm rẻ hơn sản phẩm Zara, chất lượng tương đương” - ông Việt dẫn chứng.
Mặc dù các DN may mặc đang đẩy mạnh đầu tư cải tiến mẫu mã, kết nối cung cầu tiêu thụ, quảng bá sản phẩm thời kỳ hậu Covid-19, tuy nhiên TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Kinh tế (Học viện Tài chính) cũng cảnh báo: DN thời trang cần có những bước phát triển phù hợp năng lực sản xuất, bán lẻ, không nên “ăn theo” cách thức kinh doanh phát triển ồ ạt của DN ngoại
. Để mở một cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm sẽ tốn nhiều chi phí thuê hạ tầng, đào tạo, thiết kế… những chi phí này DN ngoại có thế mạnh về nguồn vốn, nhân lực nên chấp nhận lỗ hoặc hòa vốn trong giai đoạn đầu, trong khi DN Việt Nam vốn ít nên không thể áp dụng một cách đại trà. Bên cạnh đó, DN Việt thay vì sản xuất theo phong trào cần lựa chọn hướng đi phù hợp thực lực, từ đó không sản xuất nhỏ lẻ, tiết giảm chi phí sản xuất” - ông Thịnh nói.

"Trong 3 - 5 năm tới, Uniqlo sẽ mở nhanh các cửa hàng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việt Nam là quốc gia mang lại giá trị sản xuất lớn cho Uniqlo, với 3 tỷ USD hàng hóa được sản xuất mỗi năm để xuất khẩu đi nhiều nước trong hệ thống." - Tổng Giám đốc Uniqlo Việt Nam Osamu Ikezoe