Để có thể giữ vững được thị phần, nhiều DN trong nước đang hướng tới việc sản xuất hàng cao cấp để cạnh tranh với hàng nhập khẩu (NK).
“Cơn sốt” thương hiệu nước ngoàiTừ năm 2015, thời trang Mango đã liên tục mở 2 cửa hàng Mango Mega Store tại Vincom Bà Triệu và Royal City, qua đó lôi kéo được nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm nhãn hiệu này.
Tháng 6 vừa qua, thương hiệu thời trang của Mỹ Old Navy khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam với các sản phẩm dành cho cả nam, nữ và trẻ em. Trước đó, tháng 9/2016, thương hiệu thời trang nổi tiếng Zara thuộc Tập đoàn Inditex (Tây Ban Nha) đã chính thức mở cửa hàng thời trang đầu tiên tại Trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (TP Hồ Chí Minh). Dự kiến tháng 10 tới, Zara tiếp tục mở cửa hàng thời trang tại Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu (Hà Nội).
|
Người tiêu dùng mua sản phẩm thời trang hàng Việt tại một cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam |
Thương hiệu thời trang H&M cũng đã xác nhận sẽ mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam tại Vincom Đồng Khởi trong năm 2017. Hãng thời trang Nhật Bản Uniqlo đang ráo riết tuyển dụng nhân sự để mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 2017.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan: Sự xuất hiện của Zara, H&M, Uniqlo vừa qua cho thấy, các hãng thời trang lớn trên thế giới đang rất quan tâm tới Việt Nam - thị trường có mức tăng trưởng bình quân từ 15 - 20%. Kết quả khảo sát gần đây của hãng Niesel, số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%).
“Nhãn hàng Zara ngay trong ngày đầu khai trương đã tiêu thụ lượng hàng trị giá 5,5 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, có gần 200 thương hiệu thời trang ngoại đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị trường. Tiêu thụ mạnh nhất là những thương hiệu tầm trung với các thương hiệu châu Á như Giordano, Bossini...; cao cấp như CK, Mango, D&G, Gucci, Nautica...” bà Loan nêu ví dụ cụ thể.
Doanh nghiệp trong nước trỗi dậyViệc xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu thời trang quốc tế đã tạo áp lực khiến các nhà sản xuất trong nước phải đa dạng hóa sản phẩm phục vụ mọi phân khúc từ cao cấp đến bình dân.
Giám đốc truyền thông Tập đoàn Thời trang NEM Nguyễn Tiệp đánh giá: “Cơn sốt” thương hiệu nước ngoài là do người tiêu dùng muốn trải nghiệm một cái gì đó khác lạ, chứ không phải là nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, trước sức ép hàng ngoại nhập, DN Việt Nam lại có những lợi thế riêng như nắm bắt được xu hướng thời trang và hiểu rõ về văn hóa của Việt Nam để thiết kế sản phẩm phù hợp nhất với thị hiếu NTD. Bên cạnh đó, DN Việt cũng có lợi thế hơn khi các khâu từ thiết kế - sản xuất - tiêu thụ đều diễn ra trong nước và sẽ bắt kịp được xu hướng thời trang hơn so với DN nước ngoài khi phải NK gần như toàn bộ.
Thực tế cho thấy, thương hiệu thời trang An Phước từng là một trong những cái tên tiên phong với nhiều mặt hàng như vest nam - nữ, sơmi nam - nữ... Một trong những sản phẩm nổi tiếng của An Phước được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn là nhãn hàng Pierre Cardin. Giá sản phẩm dao động từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận bởi mẫu mã và chất lượng không thua kém hàng NK.
Nói đến sản phẩm thời trang nam cao cấp không thể không nhắc đến Việt Tiến với những thương hiệu thời trang đẳng cấp quốc tế San Sciaro mang phong cách Italia được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Tiến đưa ra thị trường sản phẩm thời trang thương hiệu Manhattan mang phong cách Mỹ do Tập đoàn Perry Ellis International nhượng quyền cho Công ty kinh doanh tại Việt Nam.
Tổng Công ty May 10 cũng cho ra mắt dòng sản phẩm cao cấp Eternity GrusZ với kiểu dáng được các nhà tạo mẫu chuyên nghiệp trong nước và quốc tế thiết kế. Sản phẩm được sản xuất từ các nguyên phụ liệu của các nhà cung cấp nổi tiếng như Getner Textil AG, Albiate Milano,Brennet... Sản phẩm thời trang Eternity GrusZ có giá bán dao động từ 700.000 đồng đến trên 2 triệu đồng, bao gồm sơmi, quần âu, veston...
Mặc dù đã đưa ra nhiều sản phẩm cạnh tranh với hàng NK, nhưng để khắc phục tâm lý sính hàng ngoại, DN Việt phải thường xuyên tìm hiểu thị hiếu, định hướng cho NTD và phải có những minh chứng hàng Việt không thua kém hàng ngoại nhập. Các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thời trang không chỉ bán lẻ các sản phẩm sẵn có, mà còn phải làm cầu nối định hướng về thời trang giữa nhà sản xuất và tiêu dùng.
Để các thương hiệu cao cấp Việt Nam tự tin cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài, Nhà nước cần có những ưu đãi cho DN tiên phong, tích cực tuyên truyền mạnh hơn nữa để người Việt tự hào khi sử dụng hàng Việt. Bên cạnh đó, chính bản thân DN phải quy tụ được chuyên gia các nước đến Việt Nam làm việc và nỗ lực trong việc khẳng định thương hiệu, cũng như có kế hoạch truyền thông bài bản, dài hạn. Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Trần Quang Nghị |