Thời trang Việt ồ ạt giảm giá, khách vẫn thờ ơ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu năm, các cửa hàng thời trang may mặc đua nhau giảm giá sâu, có nơi giảm đến 70% giá bán trước đó, nhưng khách hàng vẫn thờ ơ.

Thực, hư giảm giá?  

Nhằm đẩy mạnh bán ra, ngay từ đầu năm mới Bính Thân, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp, hãng may mặc thời trang thương hiệu Việt trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt giảm giá bán. Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết cửa hàng trên các tuyến phố, trung tâm thương mại đều giảm từ 20% – 50% giá bán trước đó. Một số hãng giảm giá đến 70% như Eva de Eva, Nem, Canifa…
Nem giảm giá đến 70% một số mặt hàng nhưng vắng khách mua.
Nem giảm giá đến 70% một số mặt hàng nhưng vắng khách mua.
Thâm nhập vào các cửa hàng  bán quần áo thời trang cho thấy, hầu hết những hàng giảm giá sâu đều là hàng đã hết mốt, hết size; một số mặt hàng mới nhập về chỉ giảm giá từ 10-20%. Nhiều hàng giảm giá nhưng vẫn ở mức giá khá cao từ 1-2 triệu đồng/sản phẩm. 

Thực chất việc giảm giá này cũng không có ai kiểm chứng giá trước đó là bao nhiêu và tỷ lệ giảm có đúng so với giá bán trước đó hay không (?), câu hỏi còn bỏ ngỏ. Những thương hiệu nổi tiếng hầu hết đều ghi đúng khu vực giảm giá và nhiều mặt hàng giảm giá thực sự mang tính chất tri ân khách hàng, nhưng cũng không ít cửa hàng việc giảm giá còn bát nháo. 

Có cửa hàng ghi ở ngoài giảm giá tất cả các mặt hàng đến 50%, nhưng khi vào chỉ có một số khu vực giảm giá, còn lại vẫn bán giá cũ hoặc giảm thấp hơn mức đó. Có những cửa hàng phân khu vực ghi rõ mua 2 tặng 1; 150.000 đồng/2 chiếc, … thực chất không phải vậy. 

Chiều 16/2, phóng viên đã chứng kiến tại một cửa hàng, có vài khách hàng vào xem quần áo ở khu vực bán 150.000 đồng/2 chiếc, thấy đông khách nhân viên bán hàng nói: “chỗ này bán 200.000 đồng/chiếc chị ạ”. Người mua ngạc nhiên hỏi, “ở đây ghi 150.000 đồng/2 chiếc mà em?”, ghi thế thôi chứ bọn em đang sắp đồ chưa xong, cái áo chị cầm đó là 300.000 đồng chứ không phải 200.000 đồng đâu, những cái còn lại trong sọt kia mới là 200.000. Nếu chị mua 2 cái thì 300.000 đồng/2 cái. Nghe xong câu chuyện của cô nhân viên bán hàng với khách, tất cả mọi người đều bỏ đi lặng lẽ và đều có một câu đáp lại “ghi một đằng bán một nẻo là sao?”.
Giảm giá sâu nhưng không có khách mua.
Giảm giá sâu nhưng không có khách mua.
Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện giảm giá, nhiều người còn nghi ngờ các cửa hàng bán lẻ đã nâng giá trước để giảm giá, có những cửa hàng bên ngoài ghi là những mặt hàng cửa nhãn hàng nổi tiếng  của Việt Nam, Hàn Quốc đang giảm giá đến 50%, nhưng khi vào bên trong thì những hàng có thương hiệu không giảm giá mà hàng giảm giá không biết đó có phải của Việt Nam hay xuất xứ ở đâu, vừa xấu về mẫu mã, chất lượng kém.

Cần đi vào thực chất

Tại các cửa hàng giảm giá sâu, hầu hết khách vào rồi đi ra không, ít người mua được. Nhiều cửa hàng giảm giá sâu nhưng không thấy bóng khách nào. Những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam khi giảm giá cũng có người đến xem nhưng mua được hàng không nhiều.
Mong khách đến
Giảm 50% giá bán, cửa hàng vẫn vắng hoe.
Là phóng viên thường xuyên theo dõi thị trường, hầu hết các đơn giảm giá của các hàng thời trang Việt đều không thu hút khách mua sắm nhiều. Ngược lại, những đợt giảm giá của các hãng thời trang nước ngoài lại thu hút lượng khách lớn đến mua sắm, ví dụ: Ngày Back Friday, các hãng thời trang nước ngoài sản xuất từ quần áo, giày dép, túi da, tư trang … kinh doanh trên địa bàn Hà Nội khách đều phải xếp hàng mua sắm.

Điều khác biệt giữa các hãng sản xuất trong nước và nước ngoài khi giảm giá đó là: Sản phẩm của nước ngoài cũng rất đắt, nhưng chất lượng hàng hóa tốt, đúng với đồng tiền người tiêu dùng bỏ ra, mẫu mã đa dạng phù hợp với người Việt Nam. Đặc biệt, việc giảm giá thực chất khách hàng được kiểm chứng giá niêm yết trên sản phẩm và khi mua được khấu trừ trực tiếp. Với các sản phẩm của Việt Nam thì nhiều mặt hàng giá không được niêm yết trước mà được phát ra từ nhân viên bán hàng; hơn nữa mặt hàng giảm giá thiếu đa dạng, chất lượng kém. Nhiều cửa hàng giảm giá chủ yếu đẩy mạnh bán ra những hàng tồn kho, chứ không mang tính chất tri ân khách hàng như của các hãng nước ngoài.

Năm 2015 và đầu năm 2016, các hãng thời trang may mặc, giày dép “nội” đang đua nhau giảm giá, vẫn vắng khách mua. Điều này, cho thấy thị trường hàng may mặc Việt đang bão hòa, hoặc chưa chạm đến đúng thị hiếu của người tiêu dùng cả về giá cả, mẫu mã, chất lượng. 

Như vậy, để có một năm sản xuất, kinh doanh thuận lợi các doanh nghiệp, hãng thời trang may mặc cần cải tiến về mẫu mã, chất lượng sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng Việt, niêm yết giá công khai và mức giảm cũng được công khai. Có như vậy, việc giảm giá mới mang ý nghĩa tri ân khách hàng./.