Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thôn Cầu Thăng Long (Đông Anh): Lợi dụng lòng tin của người dân nhằm trục lợi thông qua việc làm đường, điện

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều hộ dân tại thôn Cầu Thăng Long (xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh) phản ánh tới báo Kinh tế & Đô thị về tình trạng khuất tất tài chính của cựu lãnh đạo thôn có liên quan tới việc làm đường đi và đường điện đã diễn ra nhiều năm nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả minh bạch.

Trong thời gian gần đây, báo Kinh tế & Đô thị đã liên tục nhận được nhiều phản ánh của người dân tại thôn Cầu Thăng Long (xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh) về hiện trạng lòng tin của mình bị ông Ngô Văn Bé cựu lãnh đạo thôn lợi dụng nhằm trục lợi bất chính. Theo đó, các khoản tiền đóng góp của người dân nhằm làm đường và đường điện mặc dù đã xong được nhiều năm nhưng tới nay vẫn chưa được quyết toán đầy đủ.
Cụ thể, ông Nguyễn Thế Vinh Cụm trưởng Cụm 4 thôn Cầu Thăng Long cho biết, trước năm 2006 con đường chung của thôn khá khó đi và thường xuyên lầy lội mỗi khi trời mưa, đứng trước hoàn cảnh đó, ông Bé đã đứng lên kêu gọi người dân đóng góp tiền để làm lại con đường này. Kinh phí đóng góp tùy thuộc vào số nhân khẩu trong mỗi gia đình với mức trung bình từ 550.000 - 750.000/hộ, tổng số tiền ông Bé thu được lên tới cả trăm triệu đồng.
 Đơn tố cáo về trường hợp ông Bé của người dân thôn Cầu Thăng Long
Tuy nhiên, từ khi con đường được làm xong cho đến nay, nhiều người dân tại Cụm 4 đã liên tục đặt nghi ngờ về việc ông Bé có trục lợi thông qua việc làm đường hay không khi các thông số kỹ thuật không đúng với cam kết ban đầu, ông Vĩnh kể. Bởi khi trình bày bản thiết kế của con đường trước dân, ông Bé luôn khẳng định độ dày của đường sẽ làm 15 cm, tuy nhiên khi người dân tự mình kiểm tra thì độ dày thực tế chỉ có 7-8 cm, bằng 1/2 so với cam kết ban đầu. Không chỉ vậy, mặc cho từ 2006 đến nay, nhiều lần người dân đã đề nghị ông Bé giải trình các kinh phí có liên quan nhằm quyết toán số tiền làm đường nhưng ông Bé liên tục trốn tránh không cung cấp.
Không chỉ dừng lại ở việc làm đường, người dân Cụm 4 thôn Cầu Thăng Long cũng lên tiếng tố cáo ông Bé trục lợi cá nhân thông qua việc làm đường điện tại đây. Ông Nguyễn Thìn Phúc, một thành viên trong ban lãnh đạo thôn Cầu hiện tại cho biết, vào giai đoạn trước năm 2012 điện tại khu vực này rất chập chờn, thường xuyên bị mất do phải đấu nối với đường điện của một nhà máy trong khu vực. Cùng lúc đó, ông Bé đã đứng ra cam kết với người dân rằng mình có quen biết với nhiều "lãnh đạo cấp trên" nên sẽ "chạy" được dự án lắp đường điện sinh hoạt cho thôn.
 Người dân kiểm tra độ dày thực tế của con đường chỉ 7-8 cm (Ảnh: Hà Thanh)
Nhằm thoát khỏi cảnh điện đóm chập chờn, khoảng hơn 500 hộ dân Cụm 4 đã đóng góp mỗi nhà số tiền là 240.000 đồng, số tiền này được ông Bé giải thích là dành để mua dây điện, công tơ, trạm biến thế và "chạy" xin dự án, ông Phúc kể lại. Tuy nhiên đến thời gian gần đây, nhiều người dân bắt đầu đặt câu hỏi về sự minh bạch của ông Bé trong việc thực hiện dự án điện này khi cho rằng kinh phí thực hiện phải do điện lực địa phương, cụ thể ở đây là điện lực Đông Anh bỏ ra, người dân chỉ phải bỏ tiền lắp dây từ công tơ vào nhà. Vấn đề này cùng đề nghị quyết toán dự án cũng liên tục được người dân đề nghị ông Bé giải trình nhưng tới nay ông này vẫn luôn tìm lý do để lảng tránh.
Phản ánh những sự việc trên tới UBND xã Kim Nỗ, lãnh đạo địa phương này cho rằng các bức xúc của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Về việc làm đường kém chất lượng, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Nỗ cho biết thêm, không chỉ từ người dân kiểm tra, thời gian gần đây, một doanh nghiệp trên địa bàn có thực hiện làm đường cống thoát nước trên chính con đường này cũng đã ghi nhận được độ dày của đường chỉ vào khoảng 7-8 cm, chứ không phải 15 cm như cam kết của ông Bé.
Đối với việc làm dự án điện, kinh phí sẽ do ngành điện chi trả, nếu có phải đóng tiền thì người dân chỉ cần thanh toán khoản dây điện nối từ công tơ vào nhà chứ không phải gánh khoản mua cột điện, trạm biến thế ... "Trong quá trình tôi làm quản lý nhà nước ở xã Kim Nỗ, các dự án liên quan đến điện ở địa phương thì địa phương không phải chi tiền mà sẽ do ngành điện bỏ ra", ông Thịnh khẳng định.
Ông Thịnh cho biết thêm, ngay khi nhận được đơn tố cáo ông Bé của người dân Cụm 4 thôn Cầu Thăng Long, UBND xã Kim Nỗ đã mời những người ký vào đơn lên làm việc. nhận thấy các tố cáo có dấu hiệu vi phạm hình sự UBND xã đã hướng dẫn người dân sang cơ quan pháp luật để xem xét. Hiện công an huyện Đông Anh đã tiếp nhận vụ việc và về xã để xác minh.
"Không chỉ có dấu hiệu lừa dối người dân thông qua dự án làm đường, điện, ông Bé còn thường xuyên mạo danh người dân thôn Cầu Thăng Long đi kiện tụng nhiều nơi về vấn đề đất đai gây nhiều bất hòa trong người dân cũng như ảnh hưởng tới lòng tin vào lãnh đạo xã. Vì vậy, thay mặt đảng uỷ uỷ ban, đề nghị các cơ quan báo chí, cơ quan pháp luật vào cuộc làm rõ nội dung người dân tố cáo nếu có thật đề nghị xử lý nghiêm theo pháp luật làm tránh vì việc nhỏ mà mất lòng tin của nhân dân", ông Thịnh đề nghị.