Theo chia sẻ của ông Triệu Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Hội chợ làng nghề Việt Nam lần thứ 11, năm 2015 (từ ngày 12-16/12/2015) là nơi hội tụ của 350 làng nghề trên cả nước. Đến với hội chợ, các làng nghề, phố nghề không chỉ quảng bá sản phẩm với người tiêu dùng, các nhà kinh doanh những sản phẩm đặc sắc được tạo nên bởi bàn tay vàng của các nghệ nhân, thợ giỏi, mang bản sắc từng vùng miền, mà tại đây còn được chứng kiến các nghệ nhân trực tiếp sản xuất các sản phẩm.
Cả 2 điều kể trên, Hiệp hội làng nghề đều nhắm đến một mục đích đó là tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ sản xuất cho các làng nghề truyền thống, tạo ra sản phẩm có chất lượng để chủ động hội nhập và bảo tồn, tôn vinh những sản phẩm mới có chất, những nghệ nhân có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển làng nghề, ngành nghề.
Quả thật, đến và chứng kiến những gian hàng của các làng nghề mới thấy rõ những điểm mới theo lời chia sẻ của ông Đạt. Tiếng đục đẽo của làng nghề khảm trai, làng nghề tạc tượng, hay tiếng guồng tơ, dệt vải lách cách vang ra từ những khung cửu của gian hàng làng nghề dệt lụa, cho chúng ta một cảm nhận như đang ở ngay trong các làng nghề chứ không phải ở một hội chợ. Đây cũng là cảm nhận và chia sẻ của ông Lê Minh Sừng, đến từ Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Với Hợp tác xã (HTX) Lanh truyền thống của thôn Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, các chị em trong HTX cũng là hội viên Hội phụ nữ, họ đem đến khung cửi đai lưng, nước sáp ong và cách nhuộm vải tỷ mỉ độc đáo, ai cũng muốn thử làm một lần và chụp ảnh để kỷ niệm.
Tại gian hàng đồ gỗ mỹ nghệ Chương Mỹ, Phú Xuyên (TP Hà Nội), hay làng nghề tạc tượng Bảo Hà, Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) dù là ở 2 địa phương khác nhau nhưng những chủ nhân của các cơ sở sản xuất đều cho rằng đây là cơ hội quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn nữa với 2 mục đích là phát triển và bảo tồn nghề.
Ông Phạm Văn Túy, nghệ nhân giỏi của làng nghề Bảo Hà cho biết: Ông đã có hơn 40 năm làm nghề, thu nhập vài chục triệu đồng/tháng. Với ông tham gia hội chợ không phải để bán được nhiều hàng hơn, vì hiện nay cơ sở của ông làm không đủ sản phẩm để bán mà mong muốn giới thiệu cho nhiều người biết đến một làng nghề truyền thống từ bao đời nay của người Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Những ai đam mê với nghề, ông sẵn sàng truyền nghề để bảo tồn và phát triển nghề. Ngay tại hội chợ, nhiều người đến với ông đặt hàng đúc tượng.
Theo những nghệ nhân làng nghề, khi đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới thì việc tham gia hội chợ để học hỏi lẫn nhau, tìm được những đối tác đầu tư công nghệ mới tạo ra những sản phẩm Việt có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại, bảo tồn được giá trị văn hóa trong mỗi sản phẩm mang đặc trưng từng vùng miền, là rất quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn những làng nghề gây ô nhiễm môi trường cần sự hợp tác của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng đầu tư công nghệ xử lý môi trường để khắc phục tình trạng ô nhiễm trong thời gian tới.
Môi trường sống của làng nghề, phố nghề trong lành, bền vững không chỉ là nơi kiếm sống của hơn 10 triệu lao động mà còn là điểm đến của những du khách trong nước và quốc tế khi Việt Nam hội nhập với thế giới. Những mong ước của các nghệ nhân cũng là thông điệp của Ban tổ chức hội chợ gửi đến các nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan chức năng chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề./.
|
Ban tổ chức và khách hàng xem các nghệ nhân làm nghề ngay tại các gian hàng .
|
Ông Phạm Văn Túy, nghệ nhân thợ giỏi của làng nghề Bảo Hà, Vĩnh Bảo, Hải Phòng tạc tượng tại hội chợ.
|