Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông đường mới được bán nhà

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, qua thực trạng tắc nghẽn giao thông do các khu đô thị (KĐT), Hà Nội đã rút ra được bài học kinh nghiệm rất đắt giá về quản lý đô thị.

Hạ tầng, đặc biệt là giao thông, phải đi trước, phải làm đúng quy hoạch mới tạo nên kết nối cho KĐT, nếu không sẽ biến những mảnh ghép này thành trở ngại.

Nhiều năm qua, Hà Nội đã tạo điều kiện rất lớn cho các nhà đầu tư thực hiện dự án KĐT. Tuy nhiên công tác quản lý quy hoạch, giao thông, xây dựng đã cho thấy những bất cập rõ nét.

Khu đô thị mới đang được xây dựng hoàn thiện trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.Ảnh: Phạm Hùng
Khu đô thị mới đang được xây dựng hoàn thiện trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.Ảnh: Phạm Hùng

Nhiều nhà đầu tư chỉ tập trung xây dựng nhà ở để bán, thu hồi vốn, thu lời, trong khi hạ tầng làm cầm chừng, hoặc làm xong rào lại sử dụng riêng. Điều đó cho thấy sự thiếu ý thức của không ít nhà đầu tư, đồng thời cũng thể hiện sự thiếu kiên quyết của cơ quan quản lý địa phương.

Quy định của Nhà nước đã rõ, hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông của KĐT phải bàn giao về cho TP quản lý để kết nối chung, phục vụ người dân. Vậy chỉ nên cho phép các nhà đầu tư bán nhà trong toàn bộ, hoặc một phần dự án khi hạ tầng đã được bàn giao, kết nối đầy đủ, thuận tiện. Với những dự án bán nhà khi chưa bàn giao hạ tầng cần có chế tài “đóng băng” giao dịch.

Đặc biệt, chính quyền địa phương cũng như TP không thể để mặc những KĐT cho chủ đầu tư tự ý rào chắn đường nội bộ sử dụng riêng, đặt ra những quy định riêng, thậm chí xử phạt hoặc gây khó cho người dân trong tham gia giao thông.

TP cần nhất quán quan điểm với các nhà đầu tư ngay từ khi đề xuất dự án, phải “thông đường mới được bán nhà”; cấm tuyệt đối hành vi tự ý rào chắn đường nội khu khi đã đưa vào sử dụng.

Hiện tượng chủ đầu tư rào chắn đường nội khu để tận dụng làm nơi trông giữ xe, kinh doanh thu lợi riêng đã khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc từ nhiều năm qua. Bản thân chủ đầu tư KĐT nếu không có hệ thống giao thông chung kết nối sẽ không thể bán được nhà, không làm được dự án. Họ cũng là những người hưởng lợi từ hạ tầng công cộng. Vì vậy, cần chấm dứt hoàn toàn hành vi tư lợi này, làm rõ khái niệm: đường giao thông là của chung, phục vụ cộng đồng.

Với những dự án chậm trễ xây dựng hạ tầng, gây khó khăn cho giao thông cả trong lẫn ngoài KĐT, nếu lỗi do chủ đầu tư phải xử phạt nặng; thậm chí yêu cầu chủ đầu tư các dự án KĐT phải đặt cọc tiền cho TP để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong xây dựng hạ tầng.

Với những dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng khiến đường kết nối KĐT với mạng lưới giao thông chung bị nghẽn mạch, chính quyền địa phương cần tích cực hỗ trợ chủ đầu tư. Với những dự án đã chậm trễ nhiều năm, TP cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu địa phương, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho cả DN lẫn người dân trong kết nối hạ tầng giao thông.

Từ thực tế khó khăn hiện tại, UBND TP Hà Nội cần xem xét sớm ban hành một quy chế riêng lĩnh vực đầu tư xây dựng KĐT, khu dân cư mới đảm bảo ba tiêu chí: tuân thủ quy hoạch; hạ tầng kỹ thuật, giao thông phải đi trước; và không cho phép giao dịch khi chưa đảm bảo hạ tầng.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần rà soát lại cả 262 KĐT đã và đang xây dựng, chắc chắn sẽ còn không ít bất cập khác về giao thông. Từ đó có chủ trương điều chỉnh tổng thể, nhằm đảm bảo kết nối giao thông thông suốt, phục vụ Nhân dân Thủ đô nói chung chứ không chỉ cho người dân các KĐT.

Sau nhiều năm tồn tại bất cập, Sở GTVT Hà Nội đã có nghiên cứu tổng thể và đề xuất loạt giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn giao thông tại các KĐT. Tuy nhiên, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của TP, thiếu đi sự tích cực từ cả chính quyền các địa phương cũng như sở, ngành liên quan, sẽ rất khó để giải quyết thấu đáo, dứt điểm những bất cập nêu trên.