Về vấn đề này, đại diện trường Đại học PCCC cho biết, tại nhiều con ngõ nhỏ, các tuyến đường dân sinh trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt khu vực ngoại thành, người dân thường tự ý dựng các cọc bê tông, barie kiên cố nhằm ngăn các phương tiện giao thông có tải trọng lớn đi vào. Tuy nhiên, cách bảo vệ những con đường này vô tình đã trở thành rào cản, là một trong những bất cập cho công tác chữa cháy hiện nay. Điều này khiến lực lượng PCCC gặp rất nhiều khó khăn khi vào khu dân cư có cọc bê tông kiên cố. Người dân không chỉ đặt 2 cọc bê tông hai bên mà thậm chí còn đặt 3 cọc bê tông.
Không chỉ ở các khu vực ngoại thành, nhiều khu đô thị mới cũng xây dựng thêm một cổng kiên cố để giới hạn chiều cao, nhiều khu phố xây dựng cổng chào với chiều cao hạn chế, khiến xe chữa cháy không thể đi qua. Điển hình như ngày 5/1/2019, tại xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) xảy ra cháy lớn tại xưởng sản xuất bánh quy thuộc DN tư nhân Tân Việt Trung. Đám cháy bùng phát mạnh đã thiêu rụi khoảng 500m2 nhà xưởng, 2 dây chuyền sản xuất bánh, 1 ngôi nhà của chủ DN và có nguy cơ lan sang các hộ dân xung quanh.
Tuy nhiên, xe chữa cháy bị chặn lại bởi 2 chiếc cọc bê tông ngăn ô tô trên đường vào thôn. Phải mất 10 phút để đập tan chiếc cọc cản đường, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH mới cho xe tiếp cận hiện trường, tổ chức chữa cháy. Do đó, việc xây cọc để bảo vệ đường đã cản trở hoạt động chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn khi gặp các sự cố và trở thành một trong những tình huống “dở khóc dở cười” của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP Hà Nội. Để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, bên cạnh việc mỗi gia đình nêu cao ý thức PCCC, các cấp chính quyền cần rà soát lại những điểm đã chôn cột bê tông và nhanh chóng loại bỏ chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác PCCC&CNCH.