Vừa qua, một số cơ quan truyền thông phản ánh, dọc tuyến sông Hồng từ cầu Thăng Long xuôi về cầu Vĩnh Tuy thuộc địa bàn các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng có hàng chục điểm bị đổ vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng sông làm khu trải nghiệm, du lịch.
Trong đó, tại phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), nhiều điểm đã và đang bị đổ phế thải, lấn lòng sông Hồng với diện tích rộng hàng chục nghìn mét vuông. Nhiều điểm, đối tượng lấn chiếm còn huy động 2 - 3 máy xúc cỡ lớn để san gạt. Thậm chí, có vị trí, người ta còn áp dụng kỹ thuật lấn chiếm lòng sông như: quây khu đất bằng những bao tải cát, đóng cọc tre, kè đá...
Cũng theo phản ánh, trên địa bàn phường Nhật Tân khu sinh thái nông nghiệp Place Island & Chill Garden được thiết kế giống một khu du lịch thu hút rất đông người đến trải nghiệm, đặc biệt là giới trẻ. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm trên internet “Vườn táo cổ” du khách sẽ được hướng dẫn đường đi đến đây.
Theo quảng cáo, đến khu du lịch sinh thái nông nghiệp Hà Nội, du khách được cắm trại, tổ chức tiệc, trải nghiệm dịch vụ lướt ca nô trên mặt sông Hồng. Giá vé vào cửa được thông báo là 55.000 đồng/người và giá cắm trại lên tới tiền triệu, chưa tính chi phí ăn uống, tổ chức sự kiện.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 15/2, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Công Minh Tuấn cho biết, những thông tin trên là chưa chính xác. Cụ thể, đối với phản ánh về việc người dân huy động máy xúc san gạt đất lấn chiếm sông Hồng làm nơi kinh doanh, trước đây, tại vị trí bãi cuối ngõ 464 Âu Cơ có tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng, UBND phường đã tổ chức chôn cọc bê tông, căng dây thép gai và lập phương án khai thác, sử dụng tạm thời khu đất. Đến nay, tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng đã cơ bản được ngăn chặn.
“Hình ảnh được cho là san lấp lấn chiếm sông Hồng thực chất là việc đảo đất chuẩn bị cho một vụ đào mới – một hình ảnh rất quen thuộc và bắt buộc với những người trồng đào” – ông Công Minh Tuấn cho hay.
Đề cập đến những sai phạm của khu sinh thái nông nghiệp Place Island & Chill Garden, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Công Minh Tuấn cho biết, những vi phạm trên là có nhưng đã diễn ra từ tháng 5/2022 và đã được UBND phường, UBND quận xử lý và đến nay đã không còn vi phạm.
“Tháng 5/2022, lợi dụng mùa nước cạn, ông Nguyễn Đỗ Đức Kiên đã làm cầu phao bắc sang bãi với mục đích tổ chức hoạt động cắm trại. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, UBND phường đã tổ chức lập hồ sơ vi phạm, xử lý dứt điểm, hiện không còn vi phạm” – Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân nhấn mạnh.
Tương tự, đối với phản ánh về những sai phạm tại khu Vườn Táo cổ, lãnh đạo UBND phường Nhật Tân thông tin, khu vực trên nằm ở cuối ngõ 264 Âu Cơ – đây là khu vực đã nằm trong phạm vi UBND phường đã chôn cọc bê tông, căng dây phép gai. Song, tận dụng đất hoang hóa, người dân có trồng vườn táo và tổ chức hoạt động cắm trại nhưng không có việc dùng bao tải cát quây, lấn chiếm lòng sông.
“Đối với việc tổ chức ăn uống, cắm trại, ngày 7/10/2022, UBND phường đã có thông báo yêu cầu chấm dứt các hoạt động, hiện không có hoạt động kinh doanh, cắm trại, thu vé vào cửa như thông tin phản ánh” – Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biết.
Trong thời gian tới, UBND phường Nhật Tân sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm đê điều như: đổ trộm phế thải, kinh doanh trái phép tại khu vực bãi sông Hồng. Đồng thời, tuyên truyền vận động các hộ xã viên HTX nông nghiệp không đào xúc, tôn cao đất nông nghiệp gây ảnh hưởng đến cao trình thoát lũ.