Thông tin mâu thuẫn về chiến sự tại Bakhmut

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phía Ukraine và lãnh đạo do Nga hậu thuẫn đưa ra những thông tin khác nhau về tình hình tại thành phố chiến lược.

Các lực lượng Nga vẫn không ngừng nỗ lực giành quyền kiểm soát hoàn toàn các thị trấn Bakhmut và Avdiivka ở miền đông Ukraine nhưng không đạt được tiến triển mới, theo quan chức quân đội Ukraine cho biết. 

Theo đó, các máy bay chiến đấu Ukraine tiếp tục đẩy lùi thành công các lực lượng Nga và tuyên bố rằng Nga đã phải chịu số thương vong cao trong cuộc tấn công.

Tòa nhà bị phá hủy giữa cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, ở Avdiivka, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 28/3. Ảnh: Reuters
Tòa nhà bị phá hủy giữa cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, ở Avdiivka, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 28/3. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thăm hai thị trấn và chiến hào phía bắc gần biên giới Nga hôm 28/3. 

Trong khi đó, Denis Pushilin, lãnh đạo tại vùng Donetsk dưới sự kiểm soát của Moscow, cho biết hầu hết các lực lượng Ukraine đã rút lui khỏi một nhà máy kim loại ở phía tây Bakhmut. Tuyên bố này trái ngược với khẳng định của Ukraine và phương Tây rằng tình hình ở Bakhmut đang ổn định và việc tấn công của Nga đang chững lại.

Trong diễn biến liên quan, Belarus hôm 28/3 xác nhận sẽ tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, nói rằng quyết định này là một phản ứng đối với nhiều năm chịu áp lực của phương Tây, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt và việc các quốc gia thành viên NATO xây dựng quân đội gần biên giới. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 17/3 vừa qua. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 17/3 vừa qua. Ảnh: Reuters

Đó là tuyên bố đầu tiên từ chính phủ Belarus kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tuần trước khẳng định Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus và sẽ xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân ở đó.

Mặc dù ông Putin không tiết lộ thời gian triển khai cũng như cung cấp thêm thông tin chi tiết, thông báo này dường như mở đường cho việc triển khai vũ khí hạt nhân đầu tiên của Moscow bên ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Bộ Ngoại giao Belarus cho biết bom hạt nhân của Nga cung cấp sự bảo vệ sau "chiến dịch gây áp lực" từ Mỹ và các đồng minh nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Alexander Lukashenko.

Belarus cũng đề cập "sự can thiệp trực tiếp và tàn bạo" vào các vấn đề nội bộ. "Trước những tình huống này, cũng như những lo ngại và rủi ro chính đáng trong lĩnh vực an ninh quốc gia phát sinh, Belarus buộc phải phản ứng bằng cách tăng cường khả năng an ninh và phòng thủ của chính mình,” Bộ Ngoại giao cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ lo ngại về động thái này. Tuy nhiên, Washington hôm 28/3 cho biết, không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga tiến gần hơn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.

Quyết định triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus là một trong những tín hiệu cứng rắn nhất của Moscow đối với phương Tây kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine từ tháng 2/2022. 

Belarus cho biết các kế hoạch hạt nhân của Nga sẽ không vi phạm các thỏa thuận quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân vì bản thân Belarus không có quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Minsk cho phép Moscow sử dụng lãnh thổ Belarus để đưa quân vào Ukraine vào ngày 24/2 năm ngoái. Tuy nhiên, quân đội của Belarus cho đến nay vẫn chưa tham chiến, trong khi đẩy mạnh huấn luyện quân sự chung với các lực lượng Nga tại Belarus.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần