Thông tuyến bảo hiểm y tế: Đòn bẩy cạnh tranh chất lượng khám chữa bệnh

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2021 với nhiều điểm có lợi cho người dân. Đặc biệt, bệnh nhân trái tuyến sẽ được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú trên cả nước.

Sự thay đổi này tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thẻ BHYT dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế. Song, đây cũng sẽ là thách thức, đòi hỏi các bệnh viện (BV) phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) để thu hút bệnh nhân.
Tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT

Theo Chỉ thị số 25 của Bộ Y tế, từ ngày 1/1/2021, chính sách thông tuyến trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT có hiệu lực thi hành. Cụ thể, người tham gia BHYT đi KCB trái tuyến tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh trên phạm vi cả nước vẫn được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến. Nếu người dân đi KCB tại cơ sở y tế tuyến T.Ư, người tham gia BHYT sẽ được thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú; tại tuyến tỉnh được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú (hiện nay là 60%). Đây là một chính sách đem lại niềm vui lớn cho bệnh nhân có BHYT.
 Khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Phạm Hùng
Bà Nguyễn Thị Thư (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, tuy nhà ở Hà Nội nhưng nhiều năm nay, bà làm việc ở tỉnh Thái Nguyên, trong khi bản thân lại mắc bệnh xương khớp, đại tràng, đôi khi ốm đau cứ phải về đúng BV nơi đăng ký KCB ban đầu mới được hưởng quyền lợi cao nhất khiến bà cảm thấy khá thiệt thòi. “Với quy định mới này, tôi cũng như những người tham gia BHYT được đến khám tại tất cả các BV tuyến tỉnh trên phạm vi cả nước mà không cần giấy chuyển tuyến. Điều này vừa đảm bảo được tính kịp thời để chữa trị cũng như giảm bớt thủ tục, giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian, công sức. Đặc biệt, chúng tôi có thể tự lựa chọn KCB ở bất kỳ BV tỉnh nào có chất lượng điều trị cũng như phục vụ bệnh nhân tốt nhất mà vẫn được đảm bảo quyền lợi về BHYT” - bà Thư cho hay.

Còn với bà Nguyễn Thái Hằng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), dù chỉ được thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú khi đang điều trị bệnh ung thư cổ tử cung tại BV K nhưng điều này khiến lòng bà nhẹ vơi đi nhiều. “Sinh ra ở Hải Dương nhưng tôi lên Hà Nội sống với con cháu đã lâu. Mấy năm nay, tôi điều trị bệnh ung thư cổ tử cung rất tốn kém. Nay với quy định mới, tôi được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú, phần nào giúp tôi yên tâm điều trị”- bà Hằng chia sẻ.

Giám đốc BV Đa khoa huyện Mỹ Đức Nguyễn Khuyến cho biết, hiện tại, BV Đa khoa huyện Mỹ Đức đang có 230 giường kế hoạch và 322 giường thực kê. Lượt khám dao động trung bình từ 450 - 500 bệnh nhân ngoại trú/ngày; nội trú khoảng 300 bệnh nhân/ngày. BV được phê duyệt 10.000/18.000 dịch vụ, hiện đã làm được rất nhiều kỹ thuật vượt tuyến. Với chính sách thông tuyến BHYT, BV đã có những bước chuẩn bị từ năm 2020, thay đổi từ cơ sở hạ tầng, môi trường BV đến thái độ giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế cũng như nâng chất lượng KCB. BV thường xuyên cử cán bộ, nhân viên y tế đi học để nâng cao năng lực chuyên môn. Đặc biệt, BV đã áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu từ quản lý BV, xét nghiệm, chẩn đoán ngành… rất đồng bộ. Đây là bước quan trọng nhất trong việc giữ chân bệnh nhân tại BV.

“Chính sách thông tuyến BHYT áp dụng cho BV tuyến tỉnh từ đầu năm 2021 nhưng với các BV tuyến huyện thực sự sẽ là một khó khăn. Thực tế, các BV muốn thu hút, giữ chân người bệnh buộc phải thay đổi chính mình, từ cách giao tiếp ứng xử, năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ… Nếu BV nào vượt qua được thì sẽ thành công”- ông Nguyễn Khuyến cho hay.

Tuy chính sách mới sẽ tạo điều kiện cho người dân song nhiều BV tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có nguy cơ đối mặt với tình trạng quá tải. Bởi thực tế, BV tuyến tỉnh đáp ứng đủ lượng bệnh nhân hoặc quá tải bệnh nhân. Mặt khác, nếu nguồn quỹ của BHXH phân bổ cho tuyến tỉnh sẽ không thay đổi mà lượng bệnh nhân tăng lên thì vấn đề vượt quỹ BHXH có khả năng sẽ xảy ra.

“Để thực hiện chính sách thông tuyến hiệu quả, bệnh nhân phải hiểu đúng. Trong trường hợp thông tuyến tỉnh chỉ đang áp dụng cho bệnh nhân điều trị nội trú, nghĩa là khi bệnh nhân nằm viện, sẽ được chi trả theo chế độ. Người dân cần biết những bệnh nào thực sự cần lên tuyến trên thì mới chuyển. Nếu không sẽ gây quá tải cho tuyến trên. Điều này cho thấy, các đơn vị phải truyền thông, tuyên truyền thật tốt để người dân hiểu rõ. Mặt khác, Chính phủ cũng như Bộ Y tế cũng cần quan tâm đầu tư nhiều hơn tới BV tuyến dưới” - bác sĩ Nguyễn Khuyến nhấn mạnh.

Để thông tuyến BHYT hiệu quả

Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc cho rằng, một trong những hệ lụy khi thông tuyến BHYT ở tuyến tỉnh vào năm 2021 là việc các BV sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng. Không chỉ vậy, khi thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, chi phí y tế cũng gia tăng tạo ra áp lực lớn lên quỹ BHYT. Dự kiến, quỹ dự phòng BHYT chỉ đáp ứng chi trả đến năm 2021.

Theo ông Lê Văn Phúc, để giải quyết tình trạng này, các BV tuyến tỉnh phải rà soát số giường bệnh, việc kê thêm giường có đảm bảo đúng quy định hay không bởi có những BV kê thêm hàng nghìn giường bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị phải có giải pháp tránh tình trạng bác sĩ ở tuyến xã, tuyến huyện đổ lên BV tuyến tỉnh khi thông tuyến BHYT. “Ngoài các giải pháp để khống chế dòng bệnh nhân, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần truyền thông, nâng cao nhận thức bệnh nhân trong việc KCB ở các BV tuyến dưới. Giải pháp này giúp bệnh nhân hiểu rằng các BV tuyến tỉnh, địa phương sẽ được điều chỉnh dần dần nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, bản thân lãnh đạo và đội ngũ y bác sĩ BV tuyến dưới cũng phải không ngừng nâng chất lượng để điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất”- ông Lê Văn Phúc lưu ý.

Để thông tuyến BHYT có hiệu quả vào năm 2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các đơn vị phải thúc đẩy quá trình thông tuyến BHYT. Thông tuyến phải đi cùng với việc tăng cường chất lượng KCB cho người dân, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế.
“Bộ Y tế yêu cầu BV, cơ sở KCB các tuyến phải chủ động kiểm tra, triển khai chính sách thông tuyến KCB và thanh toán chi phí. Đồng thời, Bộ yêu cầu các BV chấn chỉnh công tác tổ chức, xây dựng và thực hiện đúng quy trình KCB. Ngoài ra, các BV chủ động phối hợp với các cơ sở KCB khác gồm cả cơ sở tuyến huyện để điều chuyển bệnh nhân khi quá tải”- Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.

"Thực tế, rất nhiều trường hợp đã vượt tuyến BHYT để KCB khiến BV tuyến tỉnh phải bù tới 40% chi phí. Do đó, các BV phải tăng cường việc điều trị cho bệnh nhân, không để bệnh nhân từ BV tuyến dưới vượt lên tuyến trên điều trị, gây tình trạng quá tải…" - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa


BHXH Việt Nam có Công văn số 4055 /BHXH-CSYT về việc thực hiện khoản 6 Điều 22 Luật BHYT. Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh phối hợp với các cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh để triển khai thực hiện đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT đến KCB. Để người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, BHXH các tỉnh phối hợp với ngành y tế và các ban ngành liên quan tuyên truyền rộng rãi, đầy đủ về chính sách BHYT mới có hiệu lực, khuyến khích người tham gia BHYT đi KCB đúng tuyến, đúng quy định. Đồng thời, cơ sở KCB BHYT tuyến xã, tuyến huyện tiếp tục thực hiện KCB và chuyển người bệnh lên tuyến trên theo đúng quy định hiện hành…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần