Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hồi dự án bỏ hoang: Cần công bằng, minh bạch và đúng đối tượng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc UBND TP Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm các dự án bỏ hoang trên địa bàn TP, cơ bản giải quyết xong trong năm 2023, đang tạo ra những phản ứng tích cực trong dư luận.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, quá trình này cần phải thực hiện một cách minh bạch, trên cơ sở xem xét thực tế, thực trạng của các chủ đầu tư. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp

Ông đánh giá thế nào về những tác động tiêu cực của các dự án bỏ hoang, chậm triển khai trên địa bàn Thủ đô trong thời gian qua?

- Thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô có hàng trăm dự án thuộc diện chậm triển khai, Mặc dù tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay nhưng trên thực tế việc xử lý những dự án chậm triển khai, bỏ hoang không phải là vấn đề đơn giản.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trong quá trình rà soát, UBND quận, huyện báo cáo chưa đầy đủ về thông tin, tính pháp lý của dự án; đồng thời, chưa nghiêm túc trong công tác giám sát đầu tư, thiếu chế tài xử phạt chủ đầu tư không hợp tác. Ngoài ra, do thay đổi chính sách đất đai, quy hoạch, chính sách giải phóng mặt bằng...

Để chấm dứt hoạt động của dự án cũng cần phải đối chiếu sai phạm, phù hợp quy định pháp luật để có cơ sở thu hồi.

Luật Đất đai từ 1993, 2003, 2013 đều quy định nếu dự án quá một năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít.

Thực trạng này xảy ra một phần do chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm). Bên cạnh đó, thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; thị trường thay đổi, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt là do buông lỏng quản lý trong việc phát triển dự án.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai, bỏ hoang là sự yếu kém về năng lực của chủ đầu tư, buông lỏng quản lý từ chính quyền, đặc biệt là vướng mắc, chồng chéo về thủ tục hành chính đã gây ảnh hưởng, cản trở đến quá trình triển khai dự án.

Tình trạng hàng loạt các dự án trên địa bàn TP Hà Nội chậm tiến độ trong những năm qua gây lãng phí tài nguyên, làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tạo ra bức xúc trong dư luận của Nhân dân.

Nhà nước không thu được thuế, người dân mất tư liệu sản xuất mà chưa được bồi thường hoặc đã được bồi thường nhưng chưa thỏa đáng, nhiều DN muốn đầu tư nhưng cũng không còn quỹ đất để đầu tư mới.

Chính vì vậy, gần đây chính quyền TP Hà Nội đã tỏ ra rất quyết liệt trong việc giải quyết, xử lý các dự án chậm triển khai. Vấn đề này vẫn được chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong thời gian tới. Ông có đánh giá thế nào?

- Việc thu hồi nhiều dự án chậm triển khai thời gian gần đây đã thể hiện sự quyết liệt, mạnh tay của chính quyền TP Hà Nội trong việc xử lý tồn đọng kéo dài hàng chục năm qua. Đây cũng là một trong những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai, gây nhiễu loạn thị trường của một số chủ đầu tư.
Tuy nhiên, cùng cần phải nhìn nhận một cách thực tế, hiện nay những dự án được giao cho các chủ đầu tư rất là lâu nhưng không triển khai được, vì xét về góc độ chủ quan nhà quản lý chỉ nhìn về góc độ quy hoạch chứ không nhìn về góc độ kinh tế, nên sau khi được giao đất DN thấy không có lợi nhuận nên không triển khai.

Bởi vậy, công tác quy hoạch cần phải hội tụ yếu tố “cần và đủ”, khi xây dựng bản đồ quy hoạch phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, chứ không nên thuần túy ở mặt kiến trúc, trong đó phải lồng ghép những vấn đề: kinh tế, xã hội, hạ tầng, dịch vụ... đấu nối đủ điều kiện để dự án khi triển khai bảo đảm vận hành mang lại lợi nhuận kinh tế, thì khi giao đất chủ đầu tư họ sẽ tổ chức đầu tư xây dựng ngay.

Bên cạnh đó, về khách quan quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ vì nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, nếu quy hoạch có tầm nhìn dài thì dẫn đến việc nhiều diện tích đất bỏ hoang; nếu chúng ta có nguồn lực, quy hoạch đến đâu thực hiện đến đó thì sẽ không xảy ra tình trạng này; hay vấn đề về dịch bệnh cũng có tác động không nhỏ đến việc nhiều dự án chậm triển khai...

Nhưng về góc độ khoa học, công tác quy hoạch phải đi trước một bước và tầm nhìn dài hạn, chính vì thế nên việc nhiều diện tích đất quy hoạch chưa thể triển khai trong một thời gian dài cũng là điều dễ hiểu. Nên nếu vướng mắc do vấn đề này thì không phải là do doanh nghiệp, mà do phía Nhà nước, cơ quan quản lý, tầm nhìn của các nhà quy hoạch...

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận vào thực tế rằng quá trình đô thị hóa nói riêng và nền kinh tế của chúng ta phát triển quá nhanh, trong khi đó cơ chế, chính sách lại không theo kịp với tiến trình phát triển, nên đã nảy sinh rất nhiều bất cập.

Nhiều khi những khuyết điểm này không phải do DN mà do cơ chế, chính sách, nhà quy hoạch - kiến trúc, nhà quản lý không lường hết được những khó khăn có thể phát sinh, vì quá trình phát triển quá nhanh, chưa từng có tiền lệ trước đây.

Còn việc thu hồi dự án chậm triển khai của những chủ đầu tư không có năng lực là việc phải làm, nhưng khi thu hồi phải nghiên cứu kỹ cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Nếu do khách quan thì cần phải tháo gỡ để dự án tiếp tục thực hiện, bởi giai đoạn này nền kinh tế rất khó khăn, nếu thu lại mà không có chủ đầu tư khác để giao đất thì nghĩa là đất vẫn bị bỏ hoang. Đối với trường hợp những chủ đầu tư cố tình giữ đất để tăng lợi ích lên thì chính quyền phải kiên quyết thu hồi và việc thu hồi này là chính đáng.

Để việc rà soát, phân loại và xử lý thu hồi các dự án chậm triển khai thời gian tới, theo ông chính quyền các cấp của TP Hà Nội cần tập trung vào những việc gì?

­- Thực tế, quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề làm sao để đưa đất vào sử dụng kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, nhằm tạo ra nguồn lực phát triển, cần phải công khai, minh bạch từ khâu lập quy hoạch sử dụng đất, đến việc xử lý sai phạm. Đây như phương thuốc để ngăn ngừa tham nhũng đất đai và bảo đảm quản lý hiệu quả, phát huy tối đa nguồn lực đất đai.

 

Việc thu hồi dự án là cả một vấn đề phức tạp, cần phải thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, chứ không đơn giản là nói mà làm được ngay. Bởi DN đã bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng, mất rất nhiều chi phí, đến nay nếu buộc thu hồi thì Nhà nước cũng phải bố trí một nguồn vốn lớn để hoàn trả những chi phí đó cho DN, như vậy Nhà nước không những không có lợi mà còn “thiệt đơn thiệt kép”.
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp

 

Bên cạnh đó, về góc độ trách nhiệm quản lý tại cấp cơ sở, cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, quận, huyện, cán bộ tham mưu, tổ chức xây dựng kế hoạch sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất để nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng quản lý, sử dụng đất. Kiên quyết xử lý các chủ đầu tư cố tình “ôm” đất.

Việc xử lý cũng phải tiến hành minh bạch, trên cơ sở xem xét khả năng thực tế của từng DN, tránh việc nhiều chủ đầu tư vẫn muốn triển khai nhưng do mấy năm khó khăn dịch bệnh chưa thể bố trí nguồn lực mà vẫn thu hồi thì không hợp lý.

Tóm lại, việc này cần phải công bằng, minh bạch và đúng đối tượng, bởi DN có phát triển thì đất nước mới phát triển.

Xin cảm ơn ông !