Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế: Dọn tổ để đón đại bàng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đâu là giải pháp để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT)? Cần cơ chế gì để Việt Nam có nhiều hơn dự án FDI chất lượng cao phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội đất nước? Đó là nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, DN tại Tọa đàm trực tuyến Lấy ý kiến góp ý sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP (Nghị định 82) về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tạp chí Diễn đàn DN tổ chức chiều 21/9.

Giải bài toán nhà ở cho công nhân và nguồn lao động chất lượng cao

Đánh giá về quá trình thực thi của Nghị định 82, Tổng Giám đốc KCN Nam Cầu Kiền Phạm Hồng Điệp chính sách sửa đổi cần tập trung giải quyết các bất cập khi triển khai các dự án KCN tại địa phương như: Nhà ở xã hội, tuyển dụng lao động, ưu tiên liên kết và sử dụng các dịch vụ tại chỗ.

Thực tế, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động đặc biệt là các lao động nhập cư là rất lớn. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở xã hội, lựa chọn chủ đầu, nguồn vốn đầu tư.

"Các văn bản quy định có quy định nhà ở cho công nhân đưa ra định dạng 4 - 8 người trong 1 phòng, song quy định này không còn hợp lý. Cần phải cập nhật và xây dựng lại các tiêu chuẩn về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân cho phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội, tránh trường hợp các dự án xây xong không bán được do không đáp ứng được nhu cầu của người lao động" - ông Phạm Hồng Điệp nhấn mạnh.

 Sản xuất linh kiện tại Khu công nghiệp Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là, các KCN đang rất thiếu nguồn lao động chất lượng cao. Hoạt động đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo đang thiếu tính thực tiễn, không gắn với nhu cầu của DN và thị trường lao động nên chất lượng lao động chưa cao.

Vì vậy, các cơ quan chính quyền địa phương cần có những chính sách đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới cách tiếp cận trong việc tổ chức đào tạo. Ngoài ra, cần xây dựng kênh kết nối cung cầu lao động tại mỗi địa phương một cách hiệu quả thông qua việc tổ chức các chương trình ngày hội việc làm, thông qua các trung tâm xúc tiến giới thiệu việc làm, các trường đại học, cao đẳng để  DN có thể tiếp cận nguồn lao động chất lượng.

 Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm trực tuyến chiều 21/9

Nâng quy mô khu công nghiệp để tăng hiệu quả đầu tư

Nhiều đại diện các DN cho rằng, không nên quy định giới hạn đầu tư khu công nghiệp với diện tích dưới 500ha, với những địa phương có quỹ đất lớn và điều kiện hạ tầng tốt, nên cho phép phát triển các khu công nghiệp quy mô trên 1.000 ha để thu hút các liên hiệp nhà máy đầu tư sản xuất lớn.

Đại diện Tổng Công ty IDICO cho rằng, quy định diện tích tối thiểu là 75ha là không phù hợp bởi với diện tích này việc triển khai đầu tư KCN sẽ không đảm bảo hiệu quả do quy mô nhỏ, không thể bố trí đầy đủ các hạng mục hạ tầng cần thiết nên không mang lại hiệu quả đầu tư. Vì vậy, quy mô KCN nên có diện tích từ 150ha trở lên.

Một nội dung thu hút sự quan tâm, góp ý của các nhà đầu tư, DN nữa trong Nghị định 82 là điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư. Trong đó, quy định “Chấp thuận chủ trương đầu tư (đối với đất trồng lúa) tối đa không quá hạn mức 200 ha đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long; 150ha đối với vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ; 100 ha đối với vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Theo ý kiến của một số DN, điều khoản này chưa phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế hiện nay. Cụ thể, theo khoản 6 Điều 7 Luật đầu tư không hạn chế về diện tích chuyển đổi đất trồng lúa theo mỗi giai đoạn của dự án đầu tư. Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 30 Luật Đầu tư, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500ha trở lên để thực hiện dự án đầu tư là có thể được chấp thuận và thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án loại này là của Quốc hội.

 Tọa đàm trực tuyến thu hút sự quan tâm, góp ý kiến của đông đảo nhà đầu tư, DN tại nhiều tỉnh, TP trên cả nước

Giảm thủ tục hành chính, tăng chính sách ưu đãi

Để phát triển các KCN, KKT bền vững, tạo điều kiện thu hút đầu tư, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương cần qua tâm thực hiện nhóm giải pháp giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, DN.

Đơn cử như, trong triển khai thủ tục pháp lý cho việc hình thành 1 KCN. Hiện nay, để được cấp phép đầu tư, nhà đầu tư phải mất thời gian từ 18 – 24 tháng, thậm chí có những dự án lên tới 36 tháng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của việc đầu tư cũng như làm lỡ mất cơ hội thu hút đầu tư vào các dự án. “Cần có những biện pháp và chính sách cắt giảm bớt các thủ tục hành chính trong việc phát triển và mở rộng các KCN đặc biệt là các dự án của các đơn vị phát triển hạ tầng đã có uy tín và hiệu quả thông qua năng lực triển khai thực tế các dự án sẵn có.

Nhiều DN đề xuất, Chính phủ có thể nghiên cứu phương án ủy quyền và phân cấp việc xem xét, quyết định đối với các dự án cấp mới, điều chỉnh mở rộng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN cho Bộ KH&ĐT hoặc UBND cấp tỉnh/TP trực thuộc T.Ư dựa vào quy mô, tính chất của từng dự án để rút ngắn thời gian triển khai các thủ tục.

Sau khi dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, hoặc hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, UBND cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định việc cho phép dự án đầu tư được triển khai trước khi hoàn thành các thủ tục về xây dựng, đất đai… Về phía nhà đầu tư, phải có cam kết về tiến độ hoàn thành các thủ tục và chịu trách nhiệm toàn bộ nếu không tuân thủ đúng điều kiện, quy chuẩn theo quy định của pháp luật có liên quan.

Việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT là hết sức cần thiết. Điều này mang lại lợi ích thiết thực cho cả Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, cũng như khắc phục được những tồn tại, hạn chế mà các KCN, KKT đang gặp phải trong quá trình vận hành và phát triển hiện tại.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tính đến cuối tháng 4/2021, Việt Nam có 575 KCN, 26 khu kinh tế KKT cửa khẩu và 18 KKT ven biển. Các khu công, khu chế xuất trong cả nước thu hút được khoảng 820 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 14,7 tỷ USD; thu hút được 9.381 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60%.

Đến năm 2030, diện tích đất khu công nghiệp sẽ có khoảng hơn 205.000 ha (trong đó có khoảng 60% là đất trực tiếp sản xuất công nghiệp, còn 40% diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng trong KCN (Giao thông, điện, nước, khu xử lý chất thải, cây xanh...), tăng 114.900 ha so với năm 2020 với 558 KCN (kể cả 95 KCN nằm trong các khu kinh tế ven biển và các khu kinh tế cửa khẩu).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần