Hiệu quả kép từ nhiều giống lúa mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã nỗ lực khảo nghiệm và sản xuất thực nghiệm những giống lúa mới có năng suất, chất lượng để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của TP.

Hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Hiệu quả kép

Vụ Mùa năm 2015 là vụ mùa bội thu nhất từ trước đến nay của xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ. Bởi chỉ tính riêng việc sản xuất thực nghiệm 2 giống lúa Sơn Lâm 1 và Thiên Ưu 8 đã mang lại hiệu quả kép cho nông dân. Cụ thể, giống Sơn Lâm 1 cho năng suất 56,2 tạ/ha và Thiên Ưu 8 cho năng suất 62,5 tạ/ha. Ông Hồ Xuân Thắng – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hát Môn chia sẻ: "Đây là những giống lúa vừa cho năng suất cao, vừa cho chất lượng gạo ngon nên giá bán khá ổn định. Với giá trị cao hơn từ 10 – 20 triệu đồng/ha so với các giống lúa cũ nên bà con xã viên rất ủng hộ".
Khảo nghiệm giống lúa chất lượng tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ vụ Mùa 2015.	 Ảnh: Ánh Ngọc
Khảo nghiệm giống lúa chất lượng tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ vụ Mùa 2015. Ảnh: Ánh Ngọc
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hát Môn Nguyễn Văn Mạc, công tác khảo nghiệm, sản xuất thực nghiệm các giống lúa mới đã góp phần không nhỏ vào sự thành công trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương. Năm 2014, xã đã về đích NTM. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 26,2 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%. Song, theo ông Mạc, cái được lớn nhất là nhận thức của cán bộ và nông dân địa phương về sản xuất lúa hàng hóa đã được nâng lên. Do đó, với việc duy trì hơn 100ha lúa hàng hóa, Hát Môn đã trở thành đơn vị tiêu biểu trong chương trình Phát triển sản xuất lúa hàng hóa của TP.

Vụ Mùa năm 2015, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã tiến hành khảo nghiệm và sản xuất thử nghiệm 11 giống lúa mới tại 3 huyện đại diện cho các vùng sinh thái khác nhau của TP là Mỹ Đức, Phúc Thọ, Sóc Sơn. Quá trình triển khai, Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật luôn bám sát đồng ruộng. Nhờ gieo cấy đúng khung thời vụ và tuân thủ quy trình kỹ thuật trong sản xuất nên các giống lúa mới đều cho kết quả tốt, có nhiều ưu điểm vượt trội. Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, hiệu quả của việc khảo nghiệm và sản xuất thử nghiệm các giống lúa mới không chỉ thay thế các giống lúa cũ năng suất, chất lượng kém mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các huyện ngoại thành phát triển. Thực tế sản xuất cho thấy, các giống lúa mới dù mới được đưa vào khảo nghiệm như HN6, GL 159, ĐB 18, Hương Biển 3, Sơn Lâm 2, MB 68 phù hợp với đồng đất của nhiều huyện ngoại thành Hà Nội. Mặc dù diễn biến sâu bệnh phức tạp nhưng năng suất lúa của các địa phương này không bị ảnh hưởng nhiều do các giống lúa mới đều kháng được một số loại bệnh như đạo ôn, bạc lá, rầy nâu. "Ngành nông nghiệp Hà Nội đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các giống lúa mới vừa cho năng suất, chất lượng cao vừa có thời gian sinh trưởng ngắn" - bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT đề xuất.

Xác định nhiều giống lúa triển vọng

Hiện nay, Hà Nội có hơn 180.000ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 110.000ha lúa. Trong cơ cấu giống lúa của TP vẫn chủ yếu là các giống lúa cũ như Khang dân, Bắc thơm số 7... Thực tế những năm gần đây cho thấy, các giống lúa này đã có những biểu hiện thoái hóa, mẫn cảm với một số sâu bệnh hại. Do đó, công tác khảo nghiệm để tìm ra các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, phù hợp với điều kiện sinh thái, canh tác của Hà Nội là việc làm hết sức cần thiết.

Bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết: "Khả năng chống chịu sâu bệnh là một trong những chỉ tiêu quyết định trực tiếp đến năng suất lúa. Vì vậy, Trung tâm rất thận trọng, kỹ lưỡng trong quá trình theo dõi khả năng này của các giống lúa khảo nghiệm". Sau nhiều vụ khảo nghiệm cho thấy, đa số các giống lúa mới đều có khả năng chống chịu sâu bệnh hại tương đương và tốt hơn đối chứng (Khang dân 18 và Bắc thơm số 7). Tiêu biểu trong số đó là Hương Biển 3 chống chịu sâu bệnh tốt nhất. Đối với các giống lúa áp dụng sản xuất thử nghiệm thì Sơn Lâm 1 và Thiên Ưu 8 chống chịu sâu bệnh tốt nhất. Đây cũng là 2 giống lúa có tiềm năng năng suất rất cao, trung bình đạt 60 tạ/ha (cao hơn từ 7,5 – 10 tạ/ha so với các giống lúa đối chứng).

Qua kết quả khảo nghiệm và sản xuất thử nghiệm các giống lúa mới, Trung tâm đã xác định được các giống lúa có triển vọng là ĐB18, MB 68, HN6, Sơm Lâm 1, Sơm Lâm 2 và Thiên Ưu 8 có tiềm năng đem lại giá trị kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa trong thời gian tới. Ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định: "Thành công của việc khảo nghiệm, sản xuất thử nghiệm các giống lúa mới đã tạo động lực cho các huyện triển khai chương trình phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao của TP. Cùng với đó, người nông dân thêm phấn khởi trước thành quả lao động của mình và lựa chọn những giống lúa chất lượng".
Mong muốn nhất của Trung tâm hiện nay là được TP, Sở NN&PTNT tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ công tác khảo nghiệm, chọn lọc, làm thuần các giống lúa năng suất, chất lượng và giống đặc sản phù hợp với điều kiện sinh thái Hà Nội và thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, kiến nghị TP bổ sung giống Sơn Lâm 1, Thiên Ưu 8 vào cơ cấu giống lúa của TP trong các vụ sản xuất tới.
Bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần