Thử nghiệm vaccine Covid-19 sinh kháng thể, bao giờ có thể áp dụng với người?

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiến triển trong điều chế vaccine cho virus Covid-19 đã có, nhưng quá trình hoàn thiện còn cần thời gian.

Chinadaily dẫn nguồn tin từ cuộc họp báo ngày 22/2 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc cho biết, những nghiên cứu vaccine chống lại virus Covid-19 đã bước đầu có tiến triển.

Cụ thể, tại buổi họp báo, đại diện nhóm nghiên cứu cho hay, nhóm vaccine thứ nhất của tỉnh Chiết Giang đã sinh ra kháng thể. Các nhà nghiên cứu đã sàng lọc virus qua 4 thế hệ, tổ hợp vaccine trên vật dẫn, nuôi cấy virus và đang thử nghiệm trên động vật.

 Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, thông thường trong vaccine sẽ chứa hàm lượng nhất định kháng nguyên gây bệnh, khi tiêm vào động vật, nếu đáp ứng miễn dịch tốt sẽ sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên đó để bảo vệ cơ thể. Kết quả này hứa hẹn cho một vaccine tốt.

Hiện nhóm nghiên cứu đang phối hợp với Trung tâm Kiếm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh tỉnh, bệnh viện trường Đại học Chiết Giang để phát triển các loại vaccine điều trị Covid-19 như vaccine giảm hoạt tính virus, vaccine protein tái tổ hợp, vaccine adenovirus tái tổ hợp, vaccine mRNA.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cùng ngày, một số thành viên của nhóm công tác hỗn hợp bao gồm các chuyên gia từ Trung Quốc cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tới TP Vũ Hán – tâm chấn dịch Covid-19 để điều tra tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, Nhật báo Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn bình luận của giới chuyên gia khẳng định, việc tìm ra vaccine đòi hỏi nhiều thời gian, trải qua các công đoạn thử nghiệm để đảm bảo độ an toàn và hiệu quả. Quá trình điều chế cũng vô cùng tốn kém. Theo Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Bệnh truyền nhiễm tại Đại hoc Minnesota, việc phát triển, cấp phép và sản xuất có thể tốn tới 1 tỷ USD, bao gồm chi phí xây dựng cơ sở sản xuất vaccine.

Bên ngoài Trung Quốc, với sự hỗ trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates, Wellcome Trust và nhiều quốc gia, Liên minh Đổi mới và Phòng chống Dịch bệnh (CEPI) đang tài trợ cho các viện khoa học và công ty Inovio Enterprise của Mỹ để tăng tốc quá trình phát triển vaccine. CEPI muốn theo dõi liệu có thể áp dụng công nghệ mới để giảm thời gian điều chế vaccine cho Covid-19 hay không. Quy trình này tương tự với cúm mùa.

Moderna, một công ty công nghệ sinh học Anh đã lên kế hoạch thử nghiệm trên người vào tháng 4. Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Xu Nanping, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tốc độ nghiên cứu của nước này ngang ngửa với các đồng nghiệp quôc tế. Trong khi đó nhóm nhà khoa học thuộc Cao đẳng Hoàng gia London cho hay, họ hy vọng tiến tới giai đoạn này vào mùa hè.

Trong quá khứ, các nhà khoa học phải mất tới vài năm để đi thử nghiệm trên người. Tất cả những nỗ lực trước đây trong điều chế vaccine cho các chủng virus corona đều mới đạt đến giai đoạn này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần