"Nữ hoàng" của các loại trà
Trà hoa vàng có tên khoa học là Camellia Euphlebia, là một loại trà quý hiếm được vinh danh là "nữ hoàng" trong thế giới của các loại trà.
Ở Việt Nam, trà hoa vàng được biết đến là sản vật có giá trị của huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), được địa phương “chọn mặt gửi vàng”, đầu tư xây dựng trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh.
Bà Hoàng Thị Uy - Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Trà hoa vàng Ba Chẽ cho biết, cây trà hoa vàng thường được mọc dưới tán rừng, ven suối, người dân từ đó vào rừng đem giống trà về nhân rộng và trồng tại các quả đồi: “Từ năm 2006, thương lái Trung Quốc bắt đầu thu mua cả hoa, lá, cây, rễ trà hoa vàng với giá cao điểm 2 triệu đồng/kg hoa tươi. Thời điểm đó người dân bị thu hút, họ cố gắng tìm kiếm, khai thác dẫn đến có thời điểm hoa vàng đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn giống trong tự nhiên. Sau đó, địa phương phải nhân giống và khuyến khích người dân trồng phát triển để bảo vệ cây hoa vàng”.
Tuy nhiên, trà hoa vàng chỉ thật sự gây tiếng vang là vào năm 2016, khi huyện Ba Chẽ trực tiếp mời PGS.TS Trần Văn Ơn - Trường Đại học Dược Hà Nội nghiên cứu về loại thảo dược này.
Đến năm 2019, UBND huyện Ba Chẽ cùng với Viện Hàn Lâm khoa học công nghệ Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với Phòng thí nghiệm của Công ty BDS thuộc Trường Đại học tự do, là thành viên của Quỹ Be-Basic, Vương quốc Hà Lan đã sử dụng Công nghệ DR-Calux đã trả lời được những câu hỏi cốt lõi nêu trên về tác dụng từ trà hoa vàng trên tế bào người.
Kết quả hoa của cây trà hoa vàng khi chiết xuất nước nóng (80 -100oC) có khả năng chống ung thư, chống lão hóa, tăng cường miễn dịch, chống phình đại tuyến tiền liệt; kháng u tuyến giáp và phình đại tuyến giáp; chống béo phì, đái tháo đường type 2.
Tháng 8/2020, Hợp tác xã Dược liệu Trà hoa vàng Ba Chẽ được thành lập theo Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND của tỉnh Quảng Ninh để thu mua và chế biến sản phẩm trà với mong muốn quảng bá thương hiệu trà hoa vàng Ba Chẽ tới đông đảo người tiêu dùng.
Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 70% chi phí giống cho người sản xuất tham gia dự án liên kết giữa người dân và DN, tổng mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng. Đến nay, địa phương đã triển khai được 10 mô hình liên kết và đã làm một mã vùng trồng trà hoa vàng để phục vụ cho xuất khẩu.
Chọn xuất khẩu là con đường lâu dài
Nhận định trà hoa vàng là dược liệu quý giá, toàn huyện Ba Chẽ có khoảng 200ha hoa vàng tập trung chủ yếu ở các xã Đồn Đạc, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn và Lương Mông. Và có khoảng 100ha cho thu hoạch. Dự kiến đến năm 2025, Ba Chẽ sẽ phát triển lên 500ha diện tích loại hoa này.
Diện tích “khủng”, nên sản lượng thu hoạch trà hoa vàng tươi rất cao, bình quân 20 tấn/năm; lá trà hoa vàng tươi 65 tấn/năm. Doanh thu từ cây trà hoa vàng trên địa bàn huyện đạt khoảng trên 20 tỷ đồng.
“Cây trà hoa vàng được trồng theo chuẩn hữu cơ, cần phải chăm sóc đầu tư trong khoảng 6 năm và loài hoa này chỉ ra hoa duy nhất 1 mùa trong năm (từ tháng 12 âm lịch đến tháng 2 âm lịch năm sau). Hợp tác xã thu mua hoa tươi với giá trung bình 600.000 đồng/kg, hoa sấy khô từ 15 - 20 triệu đồng/kg; lá tươi 50.000 đồng/kg, lá khô là 300.000 - 500.000 đồng/kg” - bà Hoàng Thị Uy chia sẻ.
Để có được bông hoa trà chất lượng loại 1 thì người dân phải đi hái từ 6 giờ sáng, hoa có chất lượng tốt phải là những bông hơi bung nhẹ cánh. Đồng thời, để hoa trà tươi bảo đảm chất lượng, hợp tác xã phải thu mua sản phẩm ngay trong ngày và ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa hiện đại giúp giữ nguyên hình dạng, màu sắc, hương vị, hoạt chất của trà hoa vàng.
Đến nay, Hợp tác xã Dược liệu Trà hoa vàng Ba Chẽ đã cho ra thị trường 4 sản phẩm gồm trà hoa vàng sấy thăng hoa, trà túi lọc, lá trà hoa vàng sấy khô, và bột matcha: “Sắp tới, chúng tôi sẽ ra mắt thêm nước uống đóng chai như trà hoa vàng kombucha, tương lai sẽ kết hợp làm bánh từ trà hoa vàng, đa dạng sản phẩm và hướng đến mục tiêu xuất khẩu” - Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Trà hoa vàng Ba Chẽ kỳ vọng.
Trà hoa vàng là loại cây có cả hoa và lá đều có tác dụng tốt cho sức khỏe con người, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm không dễ dàng do giá cao. Hiện sản phẩm chủ yếu phát triển ở thị trường miền Bắc, tập trung ở Quảng Ninh 60%, Hà Nội 30% và 10% tại các tỉnh thành khác.