Ngày 10/7, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo Tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2020 với sự chủ trì của Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh.
Báo cáo về tình hình lao động việc làm 6 tháng đầu năm 2020, bà Vũ Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết: Tính đến tháng 6 năm 2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% trong tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng 17,6 triệu người.
Ông Phạm Quang Vinh cho biết, rất cần thực hiện quyết liệt các dự án, gói hỗ trợ của Chính phủ để giải quyết lao động việc làm. Ảnh: Oanh Trần. |
Trong quý II năm 2020, lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, còn 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước - đây là mức giảm việc làm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua.
Thiếu việc làm trong độ tuổi là 1,4 triệu người, tăng 292 nghìn người so với quý trước và tăng 648,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính theo tỷ lệ thiếu việc làm là 2,97%, tăng 0,76 điểm phần trăm so với quý trước và 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập đào tạo tăng lên cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,3 triệu người (2,73%), tăng 192,8 nghìn người so với quý trước và tăng 221 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi khu vực thành thị là 4,46%, tăng 1,28 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,36% điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên giảm so với quý trước. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp (sơ cấp) hoặc không có đều tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Về thu nhập bình quân tháng của lao động giảm, đạt 5,2 triệu đồng, giảm 525 nghìn đồng so với quý trước và giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê nhận định đây là năm đầu tiên thu nhập của người lao động (NLĐ) giảm so với cùng kỳ năm trước trong năm qua (giảm 5,1%).
Người lao động tham gia ứng tuyển tại phiên giao dịch việc làm huyện Gia Lâm năm 2020. Ảnh: Oanh Trần. |
Thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức trong quý II năm 2020 là 5,1 triệu đồng, thấp hơn 1,6 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức có mức giảm nhiều so với lao động chính thức, tương ứng với giảm 8,4% và 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nói về xu hướng việc làm quý III năm 2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh cho biết: Dù Việt Nam cơ bản khống chế thành công dịch Covid-19 nhưng trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp. Cho nên thời gian sắp tới chúng ta gặp nhiều thách thức đặc biệt là những ngành liên quan đến thương mại, vận tải, du lịch, xuất nhập khẩu. Tới đây, rất nhiều DN thiếu nguyên liệu, vật liệu, phụ tùng linh kiện thay thế dẫn đến thu hẹp quy mô sản xuất, ngừng hoạt động, từ đó ảnh hưởng đến lao động việc làm.
Theo ông Quang Vinh, để giải bài toán lao động việc làm, rất nên thực hiện quyết liệt các dự án, gói hỗ trợ đã được Chính phủ thông qua. “Khi xuất khẩu đang khó khăn, làm sao ưu tiên khuyến khích người Việt Nam tiêu dùng hàng nội địa. Cần tuyên truyền rộng rãi để kích thích thúc đẩy tiêu thụ trong nước” - ông Vinh nhấn mạnh.