Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu phí không dừng: Chạy nước rút có kịp về đích?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án thu phí không dừng đang bước vào giai đoạn chạy nước rút khi quỹ thời gian chỉ còn hơn một tháng. Bộ GTVT đang làm tất cả những gì có thể để đưa dự án này về đích đúng hạn.

 Dự án thu phí không dừng đang "chạy nước rút" để kịp về đích. Ảnh: Lê Thanh
Nhiều tín hiệu đáng mừng

Bộ GTVT vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc chỉ đạo việc dán thẻ Etag và sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng đối với toàn bộ các phương tiện thuộc diện thu phí do cơ quan, đơn vị quản lý. Đồng thời, các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chủ động dán thẻ, sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng khi qua các trạm thu phí. Việc yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường dán thẻ Etag được coi là giải pháp thiết thực từ chính nguồn lực nội bộ của Bộ GTVT, từ đó tạo đà để đưa dự án dự án thu phí không dừng thông về đích đúng hạn.

Cùng với việc phát huy nguồn lực từ nội bộ, trong thời gian gần đây, Bộ GTVT cũng như Tổng cục Đường bộ Việt Nam liên tục có những buổi làm việc với các địa phương để kiểm tra công tác triển khai lắp đặt thiết bị thu phí không dừng. Gần đây nhất, ngày 13/11, Đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam do Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Huyện dẫn đầu đã tới kiểm tra thiết bị và công tác thi công giá long môn lắp đặt hệ thống thu phí không dừng tại Hòa Bình và Thái Nguyên. Đây là những trạm thu phí thuộc dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng xây dựng – sở hữu – kinh doanh (BOO giai đoạn 2) có 33 trạm thu phí không dừng lắp đặt trên 23 dự án BOT.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, trong số 44 trạm thu phí giai đoạn 1 đã lắp đặt vận hành 25/26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. 13 trạm trên các tuyến QL khác bổ sung vào dự án cũng được lắp đặt vận hành. Còn tại giai đoạn 2 của dự án, tính đến thời điểm này, các nhà đầu tư đã cơ bản đàm phán ký hợp đồng dịch vụ để chuyển sang giai đoạn triển khai trong thời gian tới. Cụ thể, 33 trạm thu phí của dự án kể hiện chỉ có 31 trạm đang hoạt động, còn 2 trạm hiện tạm dừng thu phí là trạm T2 trên QL91 và trạm QL3 Thái Nguyên. Về ký phụ lục hợp đồng giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư, hiện đã có 30 trạm/20 dự án, nhà đầu tư BOT đã ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT để bổ sung việc lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Cần cả “chất” và “lượng”

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện nhận định, với tiến độ như hiện tại, đến đầu tháng 12/2020 sẽ có khoảng 50% số trạm được hoàn tất và chạy thử nghiệm và đến 20/12 sẽ kiểm soát toàn bộ dự án. “Thời điểm này, các đơn vị đang triển khai thi công đồng loạt, đặc biệt là thiết bị đã được kiểm tra chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng để lắp đặt. Tôi đánh giá rất cao công tác tổ chức thi công đồng bộ trên toàn quốc với tiến độ và chất lượng của dự án cơ bản đảm bảo" – ông Nguyễn Văn Huyện nói.

Mặc dù tiến độ dự án thu phí không dừng đang được đẩy nhanh với những tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn hai vấn đề lớn mà Bộ GTVT cần giải quyết sớm nếu muốn đảm bảo dự án về đích đúng kế hoạch. Đó chính là bất cập tại các dự án của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và tiến độ dán thẻ Etag. Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 15/11, mới có gần 1 triệu xe ô tô trong tổng số hơn 4 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ thu phí tự động không dừng. Trong số phương tiện đã dán thẻ, cũng mới chỉ có hơn 47% nạp tiền để sử dụng dịch vụ. Đây là con số quá thấp cả về lượng (số phương tiện dán thẻ Etag) và về chất (số thẻ được nạp tiền để sử dụng). Trong khi đó, vấn đề tại các dự án của VEC vẫn còn nguyên khi hiện vẫn chỉ có dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình lắp đặt thu phí không dừng dù Chính phủ, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và nhiều cơ quan, ban ngành đã không ít lần họp bàn và đưa ra giải pháp tháo gỡ.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông cho rằng, đây là hai “điểm nghẽn” không dễ giải quyết trong thời gian ngắn. Trong đó, TS Nguyễn Xuân Thủy đặc biệt quan ngại đến “chất” và “lượng” của tiến độ dán thẻ Etag. Trong thời gian còn lại của năm 2020, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần có giải pháp tăng tốc dán thẻ Etag cũng như để các chủ thẻ kích hoạt tài khoản. "Tăng số lượng phương tiện dán thẻ đã khó, để những chủ phương tiện “bơm” tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng còn khó hơn. Đây là việc bắt buộc phải hoàn thành" - TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
Về công tác triển khai dự án thu phí không dừng tại các địa phương, hiện đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị liên quan nên những khó khăn, vướng mắc đã cơ bản được giải quyết. Do vậy, dự án thu phí không dừng sẽ “cán đích” đúng ngày 31/12 như yêu cầu của Chính phủ.

Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT Nguyễn Viết Huy