Lỗi kỹ thuật - điểm trừ lớn nhất của ETC
Từ ngày 1/8, tất cả tuyến cao tốc trên toàn quốc triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC). Việc đưa hệ thống ETC vào sử dụng giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cũng như mang lại nhiều lợi ích cho người dân, DN và cả cơ quan quản lý Nhà nước.
Sau những ngày đầu triển khai, ETC đã dần cho thấy những ưu - nhược điểm. Đây sẽ là cơ sở để Bộ GTVT và các cơ quan liên quan có phương án điều chỉnh, khắc phục để ETC dần trở nên hoàn thiện hơn.
Trước khi ETC được triển khai toàn diện trên phạm vi cả nước, Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan đã lên phương án chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tất cả hướng tới mục tiêu làm sao để “cỗ máy” ETC được vận hành một cách trơn tru và thuận lợi nhất. Tuy nhiên, sau những ngày đầu triển khai, ETC vẫn bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến lỗi kỹ thuật. Đây cũng chính là điểm trừ lớn nhất của thu phí không dừng cho tới lúc này.
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong ngày đầu tiên áp dụng thu phí tự động hoàn toàn, vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định làm phát sinh ùn tắc cục bộ tại các trạm thu phí trên một số tuyến cao tốc.
Nhiều chủ phương tiện chưa dán thẻ đầu cuối trước khi vào tuyến, không có hoặc không đủ số dư trong tài khoản giao thông. Đơn cử như trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, sáng 1/8 - khi chính thức triển khai thu phí không dừng hoàn toàn, vẫn có nhiều xe không đủ điều kiện như chưa dán thẻ vẫn đi vào các làn ETC cũng như nhiều phương tiện dù dán thẻ nhưng không đủ tiền trong tài khoản dẫn đến việc ùn ứ trên cao tốc này.
Điển hình là tại các làn vào trạm thu phí Km6+000 có hàng trăm xe dừng lại kiểm tra. Phần lớn đều mắc lỗi như tài khoản không có hoặc không đủ tiền, chủ xe đã dán thẻ nhưng chưa kích hoạt tài khoản, cá biệt có xe đã nạp tiền vào tài khoản nhưng tiền chưa về để được kích hoạt.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam khuyến cáo chủ phương tiện nên tìm hiểu thông tin về lộ trình đi và số tiền thu phí cần phải trả để nạp đủ tiền trong tài khoản khi lưu thông qua trạm thu phí.
Đặc biệt, tình trạng lỗi kỹ thuật do chính các thiết bị ETC gây ra đã liên tục xuất hiện tại nhiều nơi khiến cho không ít tài xế bất bình và lực lượng chức năng làm việc tại những điểm thu phí này có một ngày làm việc vất vả. Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, lỗi kỹ thuật do hệ thống không nhận thẻ từ phương tiện vẫn chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân do nhiều chủ phương tiện dán thẻ đã lâu nhưng chưa sử dụng dịch vụ nên thẻ bị suy giảm chất lượng hoặc thẻ bị dán sai quy cách.
Ngoài ra, hệ thống thu phí tại các trạm thu phí của VEC mới đưa vào hoạt động nên vẫn cần thời gian để hiệu chỉnh, hoàn thiện hệ thống; nhân viên xử lý tình huống chậm do chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống. Thậm chí, có trường hợp nhiều xe dán cả 2 thẻ ETC của 2 đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng nên khi đi quan trạm mà barie không mở.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ đã không ít lần yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tra soát khi mở tài khoản để không kích hoạt 2 tài khoản hoạt động cho một phương tiện.
Thậm chí, ngay trước thời điểm ngày 1/8 diễn ra, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các nhà cung cấp làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây ùn tắc, khó khăn cho người và phương tiện dán thẻ tham gia dịch vụ ETC. Cơ quan này không quên nhấn mạnh, các nhà cung cấp dịch vụ cần có giải pháp để chủ phương tiện thuận lợi hủy hoặc thay thế thẻ dịch vụ đã dán thông qua việc tăng cường các điểm dịch vụ hoặc thực hiện online qua hệ thống Internet.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, những lỗi này đã có trong phương án xử lý tình huống sự cố và diễn tập trước đó. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên vận hành thu phí tự động hoàn toàn nên công tác vận hành còn bỡ ngỡ dẫn đến không ứng phó kịp thời các tình huống thực tế phát sinh.
Rất may, trong những ngày qua, lực lượng CSGT và TTGT đã được tăng cường đến những điểm thu phí và trên các tuyến cao tốc để đảm bảo an ninh trật tự, ATGT. Nhờ đó, những điểm ùn tắc do lỗi kỹ thuật trong quá trình thực hiện ETC trên các tuyến cao tốc đã nhanh chóng được giải quyết.
Chướng ngại vật lớn nhất đã vượt qua
Dự án thu phí không dừng đã trải qua một quãng thời gian dài triển khai với không ít khó khăn, vướng mắc. Có thời điểm tiến độ dự án gần như giậm chân tại chỗ và thậm chí từng xuất hiện mối quan ngại về viễn cảnh “đoàn tàu” này sẽ chẳng bao giờ có thể về đến ga cuối cùng.
Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được chọn để thí điểm triển khai ETC hoàn toàn từ 1/6/2022. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, mô hình thí điểm này đã mang tới hiệu quả rõ rệt và gợi mở ra một giải pháp không thể hiệu quả hơn để tháo gỡ nút thắt được coi là “khó nhằn” nhất mà dự án thu phí không dừng phải đối mặt trong suốt nhiều năm qua, đó chính là tiến độ dán thẻ ETC.
Thành công từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho một “nguyên tắc vàng” mà bấy lâu nay giới chuyên gia vẫn thường xuyên nhắc đến. Đó là chừng nào chưa triệt tiêu hoàn toàn các hình thức thu phí thủ công thì chừng đó thu phí không dừng chưa thể có bước phát triển đột phá.
Khi ETC là phương thức lựa chọn duy nhất, chủ phương tiện sẽ không còn bất cứ lý do nào để thoái thác hay câu giờ trong việc lựa chọn dán thẻ ETC. Đơn giản bởi nếu không chịu dán thẻ ETC, họ sẽ không được quyền lưu thông trên cao tốc.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, các hình thức thu phí thủ công đã bộc lộ rất nhiều hạn chế trong thời gian qua như thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, hạn chế trong việc kiểm soát doanh thu, tăng chi phí xã hội, chưa thuận tiện cho người tham gia giao thông khi qua trạm thu phí, chưa hiện đại hóa được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong khi đó, hình thức thu phí không dừng lại có nhiều ưu điểm và lợi thế, khắc phục hoàn toàn các bất cập của hình thức thu phí thủ công như: Góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thuận tiện cho chủ phương tiện, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội, tăng cường tính công khai minh bạch trong thu phí BOT, tạo niềm tin cho người sử dụng dịch vụ.
Một tín hiệu đáng mừng nữa, việc triển khai thu phí không dừng hoàn toàn trên cả nước đã mang lại những hiệu ứng tích cực trong tiến độ dán thẻ ETC. Hình ảnh tài xế đổ xô đi đến các điểm dán thẻ thu phí không dừng để dán đã liên tục xuất hiện tại nhiều địa phương trong những ngày qua.
Thống kê của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, từ 19 - 28/7, đơn vị này đã thực hiện dán thẻ cho hơn 125.000 xe, trung bình 12.500 thẻ/ngày, tăng gấp 6 lần so với trung bình 6 tháng đầu năm, nâng tổng số thẻ ETC mà VETC đã dán lên 1,9 triệu thẻ.
Tỷ lệ phương tiện dán thẻ tại các TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đã liên tục tăng cao trong thời gian gần đây. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ xe đã dán thẻ thu phí không dừng trên địa bàn tăng trưởng rất ấn tượng từ 35% lên 60%.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng xe cả nước là 4,8 triệu xe, hiện nay số lượng xe dán thẻ đạt 3,5 triệu xe (của cả 2 đơn vị VETC và VDTC), chiếm 75% số lượng xe trên toàn quốc.
PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế nhận định, trong số những ưu điểm vượt trội của ETC so với thu phí thủ công thì điều dư luận và người dân chờ đợi nhất là thu phí không dừng sẽ giúp minh bạch được nguồn tiền trong công tác thu phí và tiết kiệm thời gian cho các chủ phương tiện khi lưu thông qua trạm thu phí. Đây chính là việc mà thu phí thủ công không làm được và đang ngày càng bộc lộ sự bất cập.
Những ưu điểm này có được do công nghệ tiên tiến mang lại. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã và đang được hưởng những tiện ích trên khi họ đưa ETC vào áp dụng trong công tác thu phí từ lâu.
"Để thu phí không dừng phát huy được những ưu việt vốn có cần sớm làm chủ được công nghệ và khắc phục hoàn toàn những lỗi kỹ thuật." - Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên
Nếu xét trên phương diện kỹ thuật, công nghệ ETC mà Việt Nam đang triển khai là công nghệ RFID rất tiên tiến. Sự tiên tiến này còn vượt trội hơn cả công nghệ ETC mà một quốc gia được đánh giá rất cao về công nghệ quản lý giao thông là Singapore. Theo đó, công nghệ ETC mà Singapore đang dùng là công nghệ DSRC - thiết bị OBU (On Board Unit) bỏ trên xe, thì nay Việt Nam dùng công nghệ RFID, cao hơn DSRC.