Thu phí trên cao tốc đầu tư công: Lo ngại phí chồng phí

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có vấn đề quan ngại về việc phí chồng phí.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Ảnh: Ngọc Thạch
Đường chất lượng cao nên phải thu phí?
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng Đề án thu phí trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, đặc biệt là một số dự án có yêu cầu cấp bách. Cụ thể, theo yêu cầu của Bộ GTVT, các Ban Quản lý dự án (QLDA) 7, Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp với Viện Chiến lược và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp hồ sơ dự án và chỉ đạo các đơn vị tư vấn dự án trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu về những dự án theo yêu cầu của Viện Chiến lược. Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Vụ Đối tác công - tư, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Viện Chiến lược, Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án.

Đề án sau khi hoàn thành sẽ được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục phí và lệ phí. Trước mắt, việc thu phí sẽ tập trung vào các đoạn tuyến cao tốc có sự lựa chọn khác cho người dân. Với các đoạn cao tốc đầu tư bằng ngân sách, Bộ GTVT sẽ xây dựng phương án thu phí để hoàn vốn cho Nhà nước, điều này cũng bảo đảm khả thi vì người dân có sự lựa chọn giữa đi cao tốc trả phí và đi đường bộ thông thường không trả phí. Lý giải cho chủ trương thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, đường đầu tư bằng ngân sách không thu phí.
Nhưng trên thực tế, lâu nay, ngân sách chỉ sử dụng đầu tư các tuyến quốc lộ cơ bản, còn đường cao tốc là đường chất lượng cao khác hẳn với những tuyến quốc lộ cơ bản nên dù đầu tư bằng ngân sách thì Nhà nước cũng cần thu hồi vốn để tái đầu tư. Ông Nguyễn Ngọc Đông dẫn giải, đường cao tốc có chất lượng cao, phương tiện lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn, hao tốn nhiên liệu ít hơn thì người dân có lợi hơn nên phải trả thêm phí. Cũng giống như trong lĩnh vực y tế, Nhà nước đầu tư xây bệnh viện để cung cấp dịch vụ y tế cơ bản, còn bệnh viện kết hợp huy động vốn tư nhân để đầu tư dịch vụ cao và thu phí cao hơn, người bệnh có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ cao hoặc không. Như thế, thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách sẽ không xảy ra phí chồng phí.

Cần cân nhắc thật kỹ

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định, thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước sẽ khiến phí chồng phí. Người dân đang phải trả nhiều loại phí trên đầu phương tiện như phí bảo trì đường bộ, lệ phí trước bạ. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, ngân sách Nhà nước vốn là tiền thuế do người dân nộp. Do đó, khi cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước cũng đồng nghĩa với việc người dân đã đóng góp để xây tuyến đường đó. Do đó, Nhà nước đầu tư cao tốc mà thu phí là bất hợp lý, sẽ xảy ra phí chồng phí. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định không thu phí với những tuyến đường đầu tư công là rất đúng đắn và không nên thay đổi.

Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, việc thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách cần phải đảm bảo đủ 3 nguyên tắc. Thứ nhất, tuyến đường thu phí không phải đường độc đạo, tức người dân có quyền lựa chọn khác để đi. Thứ hai, mức phí và thời gian thu phí phải phù hợp và thấp hơn so với những tuyến đường đầu tư bằng hình thức BOT. Thứ ba, thu phí phải được thực hiện bằng hình thức tự động không dừng để đảm bảo tính công khai, minh bạch. “Nếu đảm bảo được các nguyên tắc này, có thể xem xét thu phí tại những cao tốc đầu tư bằng ngân sách. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đề án, kế hoạch chi tiết cho việc này, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan phải nghiên cứu, tính toán thật kỹ để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh tình trạng phát sinh tiêu cực, khiến người dân bất bình, mất niềm tin như đối với các dự án BOT giao thông trong thời gian qua” – TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.
Mức phí đối với cao tốc đầu tư bằng ngân sách phải phù hợp với chất lượng dịch vụ, đồng thời không được vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng. Bên cạnh đó, số tiền thu được phải sử dụng để bảo trì và tái đầu tư.

PGS.TS Nguyễn Đình Thám - nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần