Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), số tiền thu thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể, phản ánh sự thành công trong việc triển khai chính sách thuế đối với các công ty công nghệ toàn cầu hoạt động tại Việt Nam. Tính đến ngày 15/8, các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp hơn 6.234 tỷ đồng tiền thuế, đánh dấu mức tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm trước và đạt 125% so với dự toán giao năm nay.
Sự gia tăng này thể hiện nỗ lực đáng kể trong việc kiểm soát và thu thuế từ các công ty công nghệ lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, và Apple. Hiện 6 nhà cung cấp này đang nắm giữ 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
Mặc dù đạt được kết quả quan trọng ban đầu, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) vẫn còn nhiều khoảng trống. Các quy định pháp luật về thuế đã được điều chỉnh và khá bao quát đối với lĩnh vực TMĐT, thất thu thuế đã phần nào được hạn chế nhưng vấn đề quản lý thu thuế đối với TMĐT vẫn luôn là vấn đề nóng, là thách thức đối với cơ quan quản lý.
Nếu nhìn vào số doanh thu các DN xuyên biên giới lên đến hơn 1 tỷ USD/năm, nhưng hiện tại, Nhà nước mới thu được một phần số thuế nhà thầu, do DN Việt Nam kê khai và nộp, còn các DN xuyên biên giới chưa thu được các loại thuế có liên quan do họ chưa chấp nhận việc đặt văn phòng, pháp nhân tại Việt Nam. Theo quy định hiện tại, thuế suất thuế kinh doanh TMĐT với cá nhân, hộ kinh doanh từ 1,5 – 10%. Như vậy, hiện Nhà nước đang thất thu hàng chục ngàn tỷ đồng từ hoạt động này.
Việc các nhà cung cấp này kinh doanh và thu tiền tại Việt Nam mà không đóng thuế đang tạo bất công cho những DN khác có kê khai và đóng đầy đủ. Do đó, các cơ quan quản lý cần đôn đốc việc thu thuế của các nền tảng này, để đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Để quản lý đầy đủ các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh này, bên cạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn trong thời gian tới. Đồng thời, cần có cơ chế quản lý đặc thù, toàn diện hệ sinh thái hoạt động của TMĐT, bao gồm các chủ thể tham gia. Mặt khác, chính sách pháp luật thuế và chính sách pháp luật chuyên ngành cũng cần được củng cố, sửa đổi, bổ sung nhằm bao quát toàn bộ các hoạt động TMĐT, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT.
Đặc biệt, cần quy định cụ thể về xác định doanh thu, chi phí phù hợp với đặc điểm của kinh doanh TMĐT, nhất là các DN Việt Nam có phát sinh giao dịch với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Tiếp tục rà soát và làm giàu cơ sở dữ liệu TMĐT từ các nguồn thông tin từ các bộ, ngành; từ các tổ chức kinh doanh trong hệ sinh thái TMĐT.
Bên cạnh các giải pháp trên, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đối với người nộp thuế có hoạt động TMĐT nhằm kịp thời phát hiện và tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế cản trở TMĐT phát triển, nhận diện các hành vi không tuân thủ thuế, chống thất thu thuế là điều cần thiết. Tăng cường xử phạt các hành vi cố ý không tuân thủ thuế, các hành vi tiêu cực cản trở TMĐT phát triển, đồng thời cũng có các hình thức tuyên dương, khen thưởng đối với những nỗ lực góp phần cho sự phát triển của TMĐT và đóng góp cho ngân sách Nhà nước của người nộp thuế.
Mặt khác, Tổng cục Thuế cũng cần tập trung giải quyết các vướng mắc để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá. Đồng thời, vận hành hiệu quả Cổng tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước, khai thác tăng thu cho ngân sách Nhà nước.