Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Không nên coi chuyển đổi mô hình đại học là xu hướng!

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thông tin Đại học Bách khoa chuyển từ mô hình trường lên Đại học thu hút sự quan tâm của dư luận. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã nêu điểm khác biệt giữa hai mô hình. Phía ĐH Bách khoa cũng có thông tin về vấn đề chuyển đổi cơ cấu.

Phân biệt trường đại học và đại học

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, trường đại học/học viện là cơ sở giáo dục với trình độ đại học, đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Các ngành này thuộc một hoặc vài lĩnh vực. Còn đại học là cơ sở đào tạo, nghiên cứu đa lĩnh vực và gồm nhiều trường đại học/khoa thành viên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn

Việc nâng cấp từ trường đại học thành đại học sẽ giúp các đơn vị tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản lý, quản trị các trường thành viên. Cùng với đó, khi trở thành đại học, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện thành viên.

Việc thay đổi cơ cấu này mang tính cơ học, nhằm giảm bớt số ngành nhỏ lẻ, tạo ra các trường mang tính liên ngành nhiều hơn. Từ đó, giúp phát triển nghiên cứu khoa học, tăng chất lượng đào tạo. Một đại học với rất nhiều khoa thì sẽ bị phân mảnh trong quản lý, kém liên kết hơn so với khi sáp nhập các khoa thành trường trực thuộc.

Một đại học có thể có nhiều trường đại học thành viên. Các trường thành viên này có tư cách pháp nhân, cấp bằng tốt nghiệp riêng hoặc cũng có thể chỉ là trường trực thuộc, không có tư cách pháp nhân, không cấp bằng tốt nghiệp riêng.

Về tổ chức quản trị, Hội đồng trường đại học sẽ trở thành Hội đồng đại học. Khi đó, Hội đồng đại học sẽ đề ra chiến lược phát triển tầm vĩ mô hơn, áp dụng cho cả các đơn vị thành viên.

Thứ trưởng cho rằng, không nên đánh giá trường đại học hay đại học có lợi hơn, đồng thời không coi đây là xu hướng, bởi mỗi cơ sở sẽ phù hợp với một mô hình.

"Không phải cứ lên đại học là tốt hơn, quan trọng trường đó phải đủ năng lực, điều kiện, quy mô đào tạo. Các trường trung bình, nhỏ, năng lực tự chủ chưa cao thì rõ ràng mô hình đại học không phù hợp",  Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Đại học Bách khoa Hà Nội không phân lập

Phía Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, sự chuyển đổi từ mô hình trường lên đại học đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng, là sự kế thừa những kết quả và kinh nghiệm của quá trình thực hiện tự chủ suốt thời gian dài ở Bách khoa Hà Nội, được thực hiện với tinh thần quyết liệt, đảm bảo sự phát triển đúng với định hướng, tầm nhìn và chiến lược phát triển của Nhà trường qua nhiều thế hệ.

Đại học Bách khoa Hà Nội
Đại học Bách khoa Hà Nội

Đại học Bách khoa Hà Nội có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị, thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên, thống nhất quan điểm “Một Bách khoa Hà Nội”.

Quan điểm này thể hiện sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng của toàn Đại học. Mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng thống nhất với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định. Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế của Đại học.

Việc chuyển đổi mô hình thành Đại học Bách khoa Hà Nội để thực hiện tốt sứ mạng, tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển, đưa Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển đột phá, lên tầm cao mới, trở thành đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tự chủ toàn diện, có môi trường học thuật sáng tạo, cởi mở, tự do học thuật, khơi dậy khát vọng cống hiến của cán bộ viên chức, người lao động, sinh viên và học viên toàn đại học, phát huy giá trị văn hoá, bản sắc của con người Bách khoa Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần