Saturday, 14:41 02/11/2013
Thủ tục đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc
Kinhtedothi - Việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện phải trải qua thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, hiệu quả của việc giáo dục tại xã, phường, trị trấn không cao; phần lớn người nghiện không dứt được ma túy thông qua hình thức này.
1, Đối với thủ tục đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc Ngày 19/12/ 2003, Chính Phủ ban hành Nghị định số 163/2003/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tại điều 3, khoản 1, điểm c quy định đối tượng phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên. Đây là đối tượng thuộc diện có thể đưa vào cơ sở chữa bệnh để thực hiện việc cai nghiện ma túy trong thời gian từ 1 đến 2 năm. Tại Nghị định 135/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người thành niên, người tự nguyện vào cở sở chữa bệnh; Nghị định số 61/2011/NĐ-CP ngày 26/07/2011 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 135/2004/NĐ-CP quy định đối tượng thuộc diện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh là người “Đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định”. Như vậy, việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện phải trải qua thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, hiệu quả của việc giáo dục tại xã, phường, trị trấn không cao; phần lớn người nghiện không dứt được ma túy thông qua hình thức này. Mặt khác, do việc lập hồ sơ đi cai nghiện tập trung bắt buộc phải có tài liệu về giáo dục tại xã, phường, trị trấn nên người nghiện ma túy thường trốn khỏi địa bàn sau khi biết mình thuộc diện phải đi cai nghiện tập trung. Vì vậy, việc đưa người nghiện ma túy vào các Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Như vậy, trong khi hiệu quả giáo dục tại xã, phường, thị trấn chưa cao thì công tác cai nghiện tập trung đồng thời cũng gặp khó khăn (người nghiện thì nhiều, Trung tâm vẫn có đủ chỗ cai nhưng không đưa được người nghiện vào Trung tâm). Thực tế trên làm cho tình hình nghiện ma túy và các tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, đề nghị xem xét bỏ những quy định liên quan đến việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Khi đó sẽ có những tác dụng tích cực sau: Giúp người nghiện ma túy sau khi bị phát hiện sẽ nhanh chóng được đưa vào cơ sở cai nghiện tập trung, khi đó thời gian họ bị lệ thuộc vào ma túy sẽ ngắn hơn, khả năng cai nghiện thành công sẽ cao hơn. Việc quản lý xã hội sẽ thuận lợi hơn, giảm thiểu được các vụ việc vi phạm pháp luật, nhất là các vụ án liên quan đến ma túy. Mặt khác, nhà nước sẽ đỡ tốn kém trong công tác đảm bảo trật tự xã hội. Giúp người nghiện ma túy được sớm đi cai nghiện, hạn chế được mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế, hạnh phúc gia đình … Giúp cho tổng cầu ma túy giảm, góp phần ngăn chặn nạn buôn bán, tàng trử, sử dụng ma túy. Việc thực hiện các giải pháp trên không chỉ tiết kiệm được về tài chính mà còn có ý nghĩa lớn về mặt xã hội, nhiều người nghiện ma túy sẽ sớm vượt qua khó khăn, tìm lại được niềm tin và những điều đã mất trong thời gian lầm lỡ, giúp họ trở về cuộc sống đời thường, trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội. Đối với thủ tục đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện tự nguyện Hiện nay, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện đang được thực hiện theo hướng mở, sự gần gũi, thân thiệu giữa trung tâm - người nghiện và cộng đồng xã hội đang được cải thiện. Trong thực tế, nhiều người nghiện ma túy vì các lý do cá nhân (họ không muốn để chính quyền địa phương, cộng đồng biết bị nghiện ma túy); do đó họ mong muốn được đi cai nghiện tự nguyện tại các trung tâm, đồng thời cũng muốn tránh sự kỳ thị của cộng đồng xã hội khi trở về. Điều này sẽ giúp họ thuận lợi hơn trong việc hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm để trở thành người có ích cho xã hội. Ngày 06/6/2012 liên Bộ Lao động Thương binh & xã hội - Bộ Công an đã ban hành thông tư số 14/2012/TTLT-BLĐTBXH-BCA quy định chi tiết chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh. Thông tư trên đã có nhiều sửa đổi so với các quy định trước đây, người nghiện, gia đình người nghiện đã có nhiều thuận lợi trong việc cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm. Tuy nhiên còn một số nội dung cần điều chỉnh, đó là: Tại điều 15 quy định thủ tục đưa người nghiện ma túy, người bán dâm tự nguyện vào cai nghiện, chữa trị, phục hồi tại Trung tâm: Thủ tục đưa người vào cai nghiện tại Trung tâm rất đơn giản, thuận lợi, thời gian tiếp nhận nhanh chóng, người nghiện được tạo điều kiện tối đa khi làm thủ tục. Tuy nhiên, khi Trung tâm ra quyết định tiếp nhận phải gửi 01 bản về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Điều này đã gây trở ngại cho người nghiện, mục tiêu giữ bí mật cá nhân của họ không được đảm bảo. Từ thực tế này, thông tư nên sửa đổi những nội dung bất cập trên để người nghiện đỡ bị mặc cảm, kỳ thị khi trở về cộng đồng; giúp họ tự tin bước vào cuộc sống mới. Cũng trong điều này quy định thời gian cai nghiện tự nguyện tối thiểu là 6 tháng; nội dung này nên được điều chỉnh linh hoạt để tạo điều kiện cho người nghiện nhất, giúp họ không bị bỏ lỡ những cơ hội trong cuộc sống. Về thủ tục cho người nghiện ra khỏi trung tâm trước hạn theo hợp đồng đã ký với trung tâm: Theo quy định tại khoản 6 điều 15, quyết định thanh lý hợp đồng trước hạn của Giám đốc Trung tâm phải gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Điều này cũng gây trở ngại cho người nghiện khi họ trở về cộng đồng như trình bày trên đây. Tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy đang là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay. Rất mong các ý kiến trên được xem xét tiếp thu đề từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội.