Thủ tục rườm rà, phiền hà doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng thủ tục kiểm dịch đang gây khó khăn cho nhiều DN nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TĂCN), ngày 26/5, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức đối thoại với trên 30 DN để tháo gỡ vướng mắc.

Chăn nuôi lợn tại huyện Đông Anh.  	Ảnh:  Việt Linh
Chăn nuôi lợn tại huyện Đông Anh. Ảnh: Việt Linh
“Ngâm” hồ sơ
Ngày 12/1/2015, Cục Bảo vệ thực vật đã có công văn gửi các đơn vị kiểm dịch thực vật thuộc Cục về công khai thời gian thực hiện kiểm dịch. Theo đó, thời gian tiếp nhận hồ sơ tối đa là 2 phút, kiểm tra hồ sơ 5 phút, lấy mẫu từ 1 - 3 giờ, trả kết quả kiểm tra sau 4 - 10 giờ...

Câu chuyện DN than phiền về thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ kiểm dịch gây khó dễ đã được nêu ra từ nhiều năm nay. Điều này khiến cho các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vốn đã yếu thế hơn các loại hình kinh doanh khác lại càng thêm khó khăn trong hoạt động sản xuất. Bà Trần Thu Thủy - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Việt Nam - một DN chuyên sản xuất TĂCN cho biết, thủ tục để nhập hàng về liên quan đến một số đơn vị của Bộ NN&PTNT nhưng đang "tắc" nhất ở Cục Chăn nuôi. Bà Thủy nêu dẫn chứng, thời gian vận chuyển lô hàng từ Thái Lan về Việt Nam chỉ 3 - 4 ngày. Tuy nhiên, thời gian Cục Chăn nuôi lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu phải mất 4 - 5 ngày mới có kết quả, dẫn tới chi phí lưu công tại cảng lớn, bình quân 30 USD/container/ngày. "Không chỉ thế, điều này còn ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của công ty, bị khách hàng phạt vì chậm thời gian theo hợp đồng" - bà Thủy bức xúc.

Nhiều DN sản xuất, cung cấp TĂCN tại Hà Nội cũng thường xuyên phải "cắt cử" một nhân viên chuyên chạy đi chạy lại các cơ quan có trách nhiệm thực hiện kiểm tra chất lượng lô hàng, nhất là Cục Chăn nuôi để lo thủ tục, giấy tờ. Không ít DN ở xa phải mất tới hàng chục ngày mới có được kết quả kiểm tra để đưa hàng từ cảng về. Bà Võ Thị Thanh Hà - đại diện Công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản Hà Nội chia sẻ, các lô hàng của công ty nhập về qua cảng Hải Phòng. Do đó, công ty luôn phải cử một nhân viên xuống Hải Phòng nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch. Mỗi khi hồ sơ có sai sót phải đi lại khá nhiều lần mới hoàn thành. Theo bà Hà, nếu được kê khai hồ sơ qua mạng như hải quan thì sẽ giảm rất nhiều thủ tục, chi phí cho DN. Nhiều DN cũng phản ánh những vướng mắc khi thực hiện các quy định về lấy mẫu kiểm dịch, hun trùng (xử lý mối, mọt, nấm mốc, côn trùng)... đối với lô hàng nhập khẩu. Điều đáng nói, không ít DN phàn nàn việc hồ sơ đăng ký kiểm dịch để nhập hàng hóa bị các cơ quan chuyên môn "ngâm" với lý do không chính đáng như "lãnh đạo đi vắng"!

Quyết tâm khai thông

Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn TĂCN và nguyên liệu chế biến TĂCN. Theo số liệu từ Hiệp hội TĂCN Việt Nam, số lượng nhập khẩu hai mặt hàng này năm 2014 lên tới 10,5 triệu tấn với giá trị 4,8 tỷ USD. Trong đó, thủ tục kiểm dịch để thông quan hàng hóa có liên quan tới ba đơn vị của Bộ NN&PTNT là Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y và Cục Chăn nuôi. Nếu không được sớm giải quyết những vướng mắc về thủ tục, hoạt động của các DN trong lĩnh vực này sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Tại buổi đối thoại, ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đã ghi nhận các ý kiến phản ánh, đồng thời giải đáp từng ý kiến thắc mắc của DN. Trong đó, việc lấy mẫu kiểm dịch, kiểm tra pallet (giá gỗ đóng hàng hóa)... đều phải tuân thủ thông lệ quốc tế. Đặc biệt, ông Hoàng Trung cho rằng, tinh thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNT cũng như Cục Bảo vệ thực vật là cải cách hành chính, tạo điều kiện tối đa cho DN tham gia xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp. "Chúng tôi cam đoan 100% DN đều được tạo điều kiện tối đa. Tuy nhiên, DN cũng phải hợp tác tốt với cơ quan quản lý Nhà nước" - ông Trung bày tỏ. Đồng thời lưu ý không ít DN hiện nay không trực tiếp đứng ra làm thủ tục kiểm dịch mà thuê "cò". Chính điều này đã dẫn đến tình trạng DN bị đưa vào "ma trận" thủ tục.

Phải ghi nhận rằng, cải cách hành chính, tạo điều kiện tối đa cho DN và nông dân trong sản xuất, kinh doanh đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo từ rất lâu, nhất là sau Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc thực hiện ở cơ quan cấp dưới đến đâu vẫn cần lãnh đạo Bộ NN&PTNT phải chỉ đạo kiểm tra sát sao hơn nữa để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Valid: True