Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tục sang tên sổ đỏ cho mẹ khi bố mất

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Câu hỏi

Sổ đỏ nhà tôi đứng tên 2 bố mẹ. Bố tôi đã mất, hiện cả nhà muốn chuyển sổ đỏ đứng tên một mình mẹ cần làm thủ tục gì và chi phí ra sao?

Trả lời

Thứ nhất, thủ tục thừa kế đất đai 

Trong trường hợp bố bạn để lại di chúc và di chúc đó hợp pháp thì người thừa kế được ghi nhận trong di chúc sẽ có quyền thực hiện thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất (sổ đỏ) dưới hình thức nhận thừa kế theo di chúc. 

Nếu bố bạn mất không để lại di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực pháp luật thì việc chia di sản thừa kế được thực hiện theo quy định pháp luật. Cụ thể, di sản thừa kế chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Thứ hai, thủ tục khai nhận di sản thừa kế

Người thuộc hàng thừa kế trước hết cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng nơi có bất động sản. 

Quy trình thủ tục khai nhận di sản thừa kế như sau:

Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ 

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản

Giấy chứng tử 

Căn cước công dân

Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy tờ xác nhận, chứng minh quan hệ của người thừa kế với người đã chết

Bước 2: Lập và niêm yết thông báo thừa kế

Theo quy định khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế, người khai nhận di sản đến Văn phòng Công chứng mang theo các giấy tờ để thực hiện các thủ tục. Công chứng viên sẽ tiến hành thủ tục niêm yết công khai tại UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của cha mẹ để lại di sản theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Công chứng. Văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết theo quy định tại Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP. Việc niêm yết này là để đảm bảo không có ai tranh chấp đối với tài sản được khai nhận thừa kế này.

Bước 3: Lập văn bản khai nhận di sản thừa kế

Văn phòng Công chứng sẽ tiến hành lập văn bản khai nhận di sản thừa kế đối với mảnh đất của bố mẹ để lại.

Thứ ba, đăng ký sang tên theo quy định của Luật Đất đai

Sau khi đã khai nhận di sản thừa kế, người thừa kế sẽ tiến hành thủ tục sang tên tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai nơi có bất động sản.

Trường hợp này bố để lại thừa kế quyền sử dụng đất cho vợ con nên thuộc trường hợp được miễn thuế, phí trước bạ theo quy định tại khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ và điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC và miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn