Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Đức Angela Merkel mang theo thông điệp hòa hợp trong nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương sau những bất đồng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Điểm nổi bật trong chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Đức chính là cuộc hội đàm với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng trong ngày 15/7 (giờ Washington). Thủ tướng Merkel là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên sẽ gặp Tổng thống Joe Biden kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1/2021. Đây cũng là chuyến thăm chia tay của bà Merkel sau gần 16 năm nắm quyền lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu và diễn ra chỉ hai tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.
John Emerson, cựu Đại sứ Mỹ tại Đức dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama nhận định: “Việc Tổng thống Biden mời Thủ tướng Merkel thăm Mỹ không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng, đó cũng là cơ hội để đưa mối quan hệ Mỹ - Đức trở lại đúng hướng và rõ ràng điều đó đang xảy ra”.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức dự kiến sẽ thảo luận một loạt vấn đề, từ cam kết thúc đẩy hợp tác giữa hai bờ Đại Tây Dương cho đến tình hình an ninh đang xấu đi ở Afghanistan, an ninh mạng, ứng phó với biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, các vấn đề thương mại...
Mỹ và Đức là các đồng minh quan trọng của NATO, song hiện đang mâu thuẫn về một loạt các vấn đề khó khăn, đặc biệt là việc xây dựng tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 mà Washington lo ngại sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga.
"Phá băng” quan hệ giữa Berlin và Washington là mong muốn mà Thủ tướng Merkel hướng tới kể cả khi nhiệm kỳ của bà kết thúc sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 9 tới.
Về phần mình, Tổng thống Biden mong muốn cải thiện quan hệ với Đức, một đồng minh quan trọng của Mỹ trong việc phối hợp giải quyết các thách thức hiện tại, bao gồm vấn đề biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế...
Tuy nhiên, cuộc hội đàm được cho là khó có thể đạt được đột phá lớn do hai bên còn tồn tại một số bất đồng chủ chốt, trong đó có dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và chính sách đối với Trung Quốc.
Dự kiến, trong cuộc hội đàm với bà Merkel, ông Biden sẽ nêu lên mối quan ngại của Mỹ về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Tuy nhiên, Nhà Trắng không đưa ra bất kỳ dự đoán nào về việc hai nhà lãnh đạo sẽ đạt được thỏa thuận liên quan đến dự án này sau cuộc hội đàm sắp tới.
Trong tuần này, Thủ tướng Merkel nói rằng bà không kỳ vọng sẽ đạt đột phá liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 tại cuộc gặp với ông Biden, nhưng bà mong muốn giải quyết vấn đề này trước khi rời nhiệm sở.
“Dự án này có vai trò quan trọng đối với quan hệ Đức - Mỹ cũng như quan hệ giữa Đức với EU”, ông Johannes Thimm - thành viên cấp cao tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh của Đức cho biết.
Ngoài những mâu thuẫn trên, Đức và Mỹ cũng tồn tại một số bất đồng khác, trong đó có chủ trương của Mỹ tạm dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 để giúp tăng cường sản xuất vaccine, trong khi Đức lại phản đối ý tưởng này. Ngoài ra, Mỹ vẫn từ chối nới lỏng hạn chế đi lại đối với châu Âu.
Tuy nhiên, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Merkel lần này được kỳ vọng sẽ “phá băng”, đưa quan hệ đồng minh trở về quỹ đạo vốn có của nó, xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, mở ra thời kỳ mới của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Jackson Janes, một thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Mỹ, nói rằng trong chuyến thăm Washington lần này, bà Merkel có thể tư vấn cho Tổng thống Biden về những mong muốn của chính quyền Đức tiếp theo.
"Tôi nghĩ sẽ có ý nghĩa khi nói: 'Cảm ơn vì những kỷ niệm' và chia sẻ với ông Biden về những kỳ vọng về quan hệ song phương của chính quyền kế nhiệm bà Angela Merkel", ông Janes nói về thông điệp từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Merkel.