Theo tờ Bild, Thủ tướng Đức Olaf Scholz rất sốc trước việc Tổng thống Nga Vladimir Putin hoàn toàn không quan tâm đến các biện pháp trừng phạt mà phương Tây tung ra ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong một bài báo được đăng tải hồi đầu tuần, tờ báo của Đức đã trích dẫn nội dung cuộc trò chuyện giữa Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được nhà báo Stephan Lamby tiết lộ trong cuốn sách mới có nhan đề “Khẩn cấp: Quản lý trong thời chiến”.
Tờ RT của Nga đã đăng lại một phần nội dung bài viết của tờ Bild. Trong cuộc trao đổi, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức thảo luận về các cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, được cho là diễn ra vào ngày 4/3/2022, hơn 1 tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
“Mọi thứ không khá hơn chút nào” - Thủ tướng Scholz nói với người đồng cấp Pháp, đề cập tới cuộc xung đột ở Ukraine.
Nhà lãnh đạo Đức cho biết: “Có một vấn đề khiến tôi ngạc nhiên. Tổng thống Putin không hề phàn nàn về các lệnh trừng phạt chống Nga. Tôi không biết liệu ông ấy có nhắc đến vấn đề này khi nói chuyện với ngài hay không, nhưng với tôi thì hoàn toàn không”.
Tổng thống Pháp Macron trả lời rằng, ông Putin cũng không nhắc tới các biện pháp trừng phạt của phương Tây khi điện đàm với ông.
Hôm 29/8, khi được phóng viên của Bild đề nghị bình luận về bài báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Tôi có thể xác nhận rằng, thực sự, ông Putin chưa bao giờ đề cập tới các lệnh trừng phạt khi nói chuyện với lãnh đạo những quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga”.
Theo quan chức Điện Kremlin, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cho thấy sự kém hiệu quả. Hồi đầu tháng này, ông Peskov tuyên bố, Nga đã vượt qua suy thoái kinh tế và có “triển vọng tốt” để phát triển nhanh chóng.
Cũng trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức nói rằng Tổng thống Putin đã yêu cầu ông công nhận Crimea là một phần của nước Nga, nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk là các quốc gia độc lập.
Hai nước cộng hòa tự xưng nói trên cùng với 2 tỉnh Zaporozhye và Kherson đã chính thức được sáp nhập vào Nga mùa Thu năm ngoái sau khi diễn ra các cuộc trưng cầu dân ý.
Theo Thủ tướng Đức, ông cũng đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, ông Scholz nói thêm rằng, người đứng đầu Điện Kremlin nêu 2 điều kiện để hội nghị thượng đỉnh được tổ chức. Thứ nhất, ông Putin không muốn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự hội nghị. Thứ hai, hội nghị thượng đỉnh không phải lý do để đưa ra lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Kể từ cuối tháng 2 năm ngoái, chưa có hội nghị thượng đỉnh nào về vấn đề Ukraine giữa Nga với Đức, Pháp được tổ chức. Trong những tháng gần đây, các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin với lãnh đạo Đức, Pháp cũng bị tạm dừng, theo RT.
Viết trên trang Facebook hôm 26/8, cựu Thủ tướng Italia Giuseppe Conte bình luận rằng hàng loạt các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đã không làm suy yếu nền kinh tế Nga hay cô lập được xứ sở bạch dương.
Ông Conte nêu dẫn chứng về triển vọng mở rộng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) do Nga khởi xướng và đồng sáng lập, từ năm 2024, sẽ chiếm 45% dân số thế giới và 38,2% GDP toàn cầu.