Theo đài RT, trong bài trả lời nhật báo Markische Allgemeine hôm 28/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tiết lộ, một số quốc gia, trong đó có Ukraine, đang thảo luận ở cấp cố vấn an ninh về các điều kiện có thể dẫn đến hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột giữa Moscow và Kiev.
Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh, "hòa bình có thể đạt được bất cứ lúc nào" nếu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine.
Đáp lại bình luận của Thủ tướng Đức, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các cuộc đàm phán mà ông Scholz đề cập đến đều không có sự tham gia của Nga. Moscow nhiều lần khẳng định, bất kỳ cuộc đàm phán nào về hòa bình ở Ukraine mà không có Nga đều vô nghĩa.
Quan chức Điện Kremlin cũng khẳng định tuyên bố của Thủ tướng Scholz "không làm thay đổi bản chất của các sự kiện đang diễn ra", đồng thời nhắc lại rằng Đức vẫn là một trong những quốc gia viện trợ quân sự nhiều nhất cho Kiev.
Theo ông Peskov, mặc dù các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) có quan điểm khác nhau về mức độ can dự vào cuộc khủng hoảng Ukaine, nhưng "điều này không làm thay đổi cách tiếp cận chủ đạo ở châu Âu rằng cần chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng".
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn nhật báo Izvestia được đăng tải ngày 29/3, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng kế hoạch hòa bình do Ukraine đề xuất là vô nghĩa vì nó dựa trên những quan điểm không thể chấp nhận.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine mà Thụy Sĩ dự định tổ chức sẽ không thành công nếu không có sự tham gia của Nga.
Đồng thời, ông Lavrov khẳng định, trong mọi trường hợp, Nga sẵn sàng tổ chức các cuộc thảo luận nhưng không dựa trên cơ sở “công thức hòa bình” của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ngoại trưởng Nga lưu ý thêm rằng các đề xuất của Mỹ nhằm thảo luận về các thỏa thuận vũ khí, tách vấn đề vũ khí ra khỏi cuộc xung đột Ukraine là vô nghĩa.
Trong một diễn biến liên quan, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder nêu quan điểm, đàm phán với Nga là giải pháp duy nhất để chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Trả lời hãng tin Đức DPA hôm 28/3, ông Schroeder nói rằng mối quan hệ cá nhân giữa ông và Tổng thống Nga Putin có thể góp phần vào tiến trình đó.
Ông Schroeder bị phản ứng về mối quan hệ với Nga sau khi bùng phát xung đột tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Ông đã từ chức khỏi hội đồng quản trị tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga vào tháng 5/2022.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc duy trì tình bạn với Tổng thống Putin trong bối cảnh diễn ra cuộc xung đột Nga- Ukraine, cựu Thủ tướng Đức khẳng định đây là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt. Ông Schroeder tin rằng mối liên hệ với giới lãnh đạo Nga sẽ có ý nghĩa quan trọng trong các cuộc hòa đàm Nga - Ukraine trong tương lai.
Cựu Thủ tướng Schroeder từng đến Nga, Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, nỗ lực đó của ông chưa mang lại kết quả.
Triển vọng nối lại hòa đàm giữa Nga và Ukraine hiện vẫn mờ mịt sau cuộc đàm phán thất bại tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3/2022.
Nga nhiều lần khẳng định để ngỏ đàm phán với Ukraine miễn là Kiev phải chấp nhận tình hình thực tế, nói cách khác là thừa nhận sự kiểm soát của Nga đối với một số vùng lãnh thổ.
Trong khi đó, Kiev nhất quyết không đàm phán với Moscow trừ khi quân đội Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền, bao gồm Crimea và 4 vùng lãnh thổ cũ của Ukraine đã được sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý vào mùa Thu năm 2022.
Bên cạnh đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 10/2022 đã ký ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine.