Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong những tháng gần đây đã đẩy mạnh chính sách giảm phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hồi tháng 1 mô tả cách tiếp cận của EU đối với Trung Quốc là "giảm thiểu rủi ro hơn là tách rời" vì khối này vẫn nỗ lực làm việc và giao dịch với Bắc Kinh.
Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như vẫn giữ nguyên đường lối cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump đối với Trung Quốc, thậm chí trong một số lĩnh vực còn siết mạnh hơn, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu chất bán dẫn cao cấp sang cường quốc châu Á.
Đáp lại, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 27/6 đã chỉ trích những nỗ lực đó của phương Tây là một "đề xuất sai lầm".
"Nền kinh tế của nhiều quốc gia gắn kết với nhau, dựa vào nhau, vì nhau mà đạt được thành tựu và cùng nhau phát triển" - ông Lý Cường nói, đề cao sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu hóa - "Đây thật ra là chuyện tốt, không phải điều gì đó tồi tệ".
Cuộc họp tuần này của WEF diễn ra tại thành phố cảng Thiên Tân - thường được gọi là "Davos mùa Hè" - là cuộc họp đầu tiên của loại hình này sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Hội nghị có sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ New Zealand, Mông Cổ, Việt Nam và Barbados, cùng một phái đoàn lớn từ Ả Rập Saudi.
Chia sẻ thêm trước các đại biểu tại WEF sáng 27/6, Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% vào năm 2023 mà Chính phủ đã đặt ra hồi đầu năm nay.
"Chúng tôi hoàn toàn tự tin và có khả năng thúc đẩy sự phát triển ổn định, lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc, trên con đường phát triển chất lượng cao về dài hạn" - ông Lý Cường nói.
Tháng 3 năm nay, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế "khoảng 5%" - một trong những mục tiêu thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua của Trung Quốc do các quy định nghiêm ngặt "zero-Covid" đã cản trở đáng kể hoạt động kinh doanh của đất nước. Thủ tướng Lý Cường vào thời điểm đó thừa nhận, mục tiêu 5% là "nhiệm vụ không dễ dàng".
Ngân hàng trung ương Trung Quốc tuần trước đã cắt giảm 2 mức lãi suất cho vay quan trọng, trong nỗ lực chống lại sự suy giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một số báo cáo trong tháng này cũng đã gợi ý rằng Bắc Kinh đang xem xét loạt biện pháp phục hồi nhắm vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là bất động sản, chiếm một phần rất lớn trong tổng sản phẩm quốc nội.