Thủ tướng từ chức, chính trường Ukraine sẽ ra sao?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với quyết định từ chức của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk, lá phiếu nói "không" với thỏa thuận liên kết EU–Ukraine của cử tri Hà Lan, chính trường Kiev những ngày tới dự kiến sẽ đối mặt với nhiều sóng gió.

Trong một chương trình đối thoại truyền hình hàng tuần diễn ra hôm nay (10/4), ông Yatsenyuk cho biết, “tôi quyết định rời khỏi chức vụ Thủ tướng Ukraine. Quyết định này sẽ được trình lên Quốc hội vào thứ Ba tuần tới, ngày 12/4".
Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk tuyên bố từ chức.
Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk tuyên bố từ chức.
Tuyên bố này không hề bất ngờ với cử tri Ukraine bởi mối bất hòa giữa ông Yatsenyuk và Tổng thống Poroshenko ngày càng gia tăng đến mức độ không thể hóa giải. Trên thực tế, kể từ khi cựu Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili được Tổng thống Pyotr Poroshenko bổ nhiệm vào vị trí Thống đốc Odessa đã khiến Thủ tướng Yatsenyuk không “hài lòng” và cảm thấy vị trí của mình bị đe dọa.

Điều đáng nói là cựu chính trị gia Gruzia không hề che giấu ý định là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với ông Yatsenyuk. Thậm chí ông Saakashvili từng tuyên bố tham vọng của mình ở Ukraine còn lớn hơn nhiều so với chức Thủ tướng. Hiện chưa rõ ông Saakashvili có thể mang đến cho chính quyền Kiev “giới tinh hoa chính trị mới" như từng cam kết hay không, nhưng có một điều chắc chắn là Ukraine đang đứng trước những cơn bão mới.
Thủ tướng từ chức, chính trường Ukraine sẽ ra sao? - Ảnh 1

Mối bất hòa giữa Thủ tướng và Tổng thống khiến chính trường Ukraine lâm nguy.
Trong lúc phải đối mặt với những trận sóng ngầm vì dính dáng đến “Hồ sơ Panama” và đơn từ chức của Thủ tướng Yatsenyuk, Tổng thống Poroshenko lại bị giáng một đòn mạnh bởi kết quả bỏ phiếu của cử tri Hà Lan. Sau khi quay lưng lại với Nga, chính quyền Ukraine đã dồn lực cho canh bạc duy nhất và cuối cùng là một thỏa thuận liên kết với EU.

Mọi chuyện cho đến thời điểm này là tương đối thuận lợi khi hầu hết các quốc gia châu Âu đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận “bắt tay” với Ukraine như một “món quà” trao đổi lấy những đòn trừng phạt mà Kiev nhằm vào Moscow. Tuy nhiên, sự từ chối của người dân Hà Lan khiến mọi nỗ lực “phò tá” EU của Tổng thống Poroshenko đổ bể và chắc chắn sẽ khiến ông này phải đứng trước áp lực lớn từ dư luận trong nước.

Những cuộc biểu tình phản đối có thể phát triển thành một phong trào lật đổ chính phủ nếu ông Poroshenko không nhanh chóng có biện pháp xoa dịu người dân và các chính trị gia nóng nảy, những nhà tài phiệt đổ hàng trăm triệu USD cho chính quyền. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi cựu Thủ tướng Ukraine Nikolai Azarov nhiều lần cảnh báo, đã đến lúc ông Poroshenko phải thôi lừa gạt người dân về việc gia nhập EU.

Theo cựu Thủ tướng Azarov, suốt 15 năm qua, giới chức Kiev đã kiên trì đề cập đến khả năng gia nhập Liên minh tại các hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp song phương, nhưng vẫn chỉ nhận được câu trả lời “không” từ lãnh đạo khối. Tuyên bố cách đây không lâu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker về việc ít nhất là một phần tư thế kỷ nữa Ukraine cũng không gia nhập EU một lần nữa cho thấy chính quyền Kiev vẫn đang trao những lời hứa suông, rỗng tuếch cho người dân. Và lá phiếu phủ quyết thỏa thuận liên kết EU – Ukraine của cử tri Hà Lan chỉ là “giọt nước làm tràn ly” cho những thất vọng và phẫn nộ của người dân Ukraine.

Với một nền kinh tế trì trệ, thất nghiệp ở mức kỷ lục và cơ sở hạ tầng kiệt quệ, không ai dám chắc rằng cử tri Ukraine – những người tiếp tục bị “đánh cắp giấc mơ châu Âu” có thể khoanh tay đứng nhìn Tổng thống Poroshenko tại vị.