70 năm giải phóng Thủ đô

Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án

Nguyễn Văn Lạng - Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Việc điều tra xác minh điều kiện thi hành án được thực hiện bởi các Thừa phát lại có gì khác so với việc điều tra xác minh điều kiên thi hành án của các chấp hành viên?” - Đỗ Văn Lân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Trả lời:
Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan Thi hành án dân sự. Như vậy, khi thấy cần thiết thì người được thi hành án có quyền thỏa thuận, yêu cầu Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án để bảo vệ quyền lợi cho mình.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Điều 30 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định: Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt tru sở Văn phòng Thừa phát lại.

Khi thực hiện, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt tru sở Văn phòng Thừa phát lại trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản tại địa phương đó.

Các quy định khác của pháp luật về thi hành án dân sự cũng được áp dụng trong việc xác minh điều kiện thi hành án .

Việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thực hiện bởi Thừa phát lại giống như Chấp hành viên thực hiện. Chỉ khác trước khi Thừa phát lại thực hiện công việc xác minh, căn cứ vào yêu cầu và thỏa thuận với người được thi hành án, Trưởng văn phòng Thừa phát lại phải ra Quyết định xác minh, và giao cho Thừa phát lại thực hiện.