Thừa Thiên Huế: Người dân lo lắng vì nước sinh hoạt ô nhiễm

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cảm thấy rất lo lắng khi nguồn nước sinh hoạt chính của họ bỗng nhiên xuất hiện màu nâu đục, thậm chí là đen kịt. Do đó, người dân không thể dùng nguồn nước này để nấu ăn, tắm giặt.

Người dân lo lắng về nguồn nước
Mới đây, báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của một số hộ dân tại 2 xã Lộc Tiến và Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), về việc nguồn nước sinh hoạt mà họ đang sử dụng bất ngờ bị ô nhiễm, xuất hiện màu nâu đục.
Chị Nguyễn Thị T. (36 tuổi, trú thôn Thủy Yên Hạ, xã Lộc Thủy) cho biết đã phát hiện tình trạng nguồn nước sinh hoạt của gia đình bị bẩn diễn ra trong thời gian dài.
Theo chị T., khi chị trữ lại một xô nước để dùng thì phát hiện ở dưới đáy có màu đen. Ngày 26/7, chị đọc được bài viết của người dân ở xã Lộc Tiến nước cũng bị đen và họ lấy giấy để lọc rồi đưa lên mạng xã hội nên chị đã làm theo.
Tấm giấy đen kịt sau khi người dân dùng để lọc nước trên vòi.
“Khi tôi lấy giấy để lọc nước thì phát hiện đúng là nước có màu đen, vàng, có lúc đen như chì và vàng như bị phèn. Tình trạng này diễn ra nhiều ngày rồi, người dân chúng tôi đã phản ánh lên Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO)”, chị T. nói.
Trong khi đó, theo chị Lê Thị D. (31 tuổi, trú tại thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến), những ngày qua, gia đình chị và hàng xóm không thể sử dụng nước của công ty HueWACO vì có hiện tượng cáu bẩn, đen kịt.
“Vào sáng 27/7, nhân viên của công ty nước có về nhà tôi kiểm tra, họ tiến hành xả nước và lấy mẫu”, chị Lê Thị D. thông tin.  
Nhằm làm rõ những thông tin mà người dân cung cấp, chiều 28/7, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã trực tiếp đến hiện trường để ghi nhận. Theo quan sát, cách con sông Thừa Lưu (nơi công ty HueWACO lấy nước để cung cấp cho người dân sử dụng làm nước sinh hoạt) khoảng vài trăm mét là mỏ đá đang khai thác bằng hình thức nổ mìn. Đồng thời, cạnh con sông Thừa Lưu là cánh đồng lúa mà người dân địa phương đang canh tác đã nhiều năm nay.
Ông Nguyễn N. (40 tuổi, trú thôn Trung Kiền, xã Lộc Tiến) cảm thấy rất lo lắng, bất an về nguồn nước sinh hoạt mà gia đình cũng như các hộ dân nơi đây đã sử dụng trong thời gian qua. “Nguồn nước sinh hoạt mà công ty HueWACO lấy nằm cạnh một mỏ đá đã hoạt động trong nhiều năm qua, họ khai thác đá bằng hình thức nổ mìn. Riêng ở cánh đồng người dân chúng tôi làm ruộng quanh năm thì sẽ khó tránh khỏi việc nguồn nước bị nhiễm các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật”, ông N. nói.
 Người dân phải đi lấy nước về sinh hoạt.
Ông Nguyễn X. (trú thôn Trung Kiền, xã Lộc Tiến) cũng đặt nghi vấn, không biết tình trạng bụi bẩn, thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật bị hòa lẫn vào nguồn nước dưới sông Thừa Lưu có gây ô nhiễm không.   
Thực tế những ngày qua, trước tình trạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm, người dân ở xã Lộc Tiến đã phải bỏ tiền ra mua các loại nước đóng chai về sử dụng. Bên cạnh đó, họ sử dụng can nhựa đi lên các con suối cách nhà khoảng 1km để lấy nước về tắm, giặt.
Đại diện công ty HueWACO nói gì?
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc HueWACO cho biết, đã nhận được kiến nghị, phản ánh từ người dân và Công ty đã tổ chức họp, khẩn trương xử lý, đồng thời cũng gửi lời xin lỗi đến khách hàng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, nguyên nhân ban đầu được xác định là do 1 trong 5 bể lọc của nhà máy nước Chân Mây đã xuống cấp, mục rữa phần bê tông bên trong mép tường của đáy bể lọc, gây mất liên kết với phần đan lọc inox, phần bông cặn chưa được lọc đã đi xuyên qua chỗ hỏng này vào bể chứa.
Do phần hư hỏng này nằm ở đáy bể lọc với độ sâu 2m, không phát hiện kịp thời nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc kể trên. Tuy nhiên, để đảm bảo cấp nước cho người dân trong mùa cao điểm nắng nóng, công ty chưa thể ngừng hoạt động để kiểm tra định kỳ.
Mỏ đá Thừa Lưu chỉ cách nơi lấy nước của công ty HueWACO khoảng 100m.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn giải thích việc sử dụng nguồn nước sông Thừa Lưu, Công ty đã có công văn gửi UBND huyện Phú Lộc, UBND các xã, Ban cấp nước an toàn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Về chất lượng nước, trước khi khai thác, công ty HueWACO đã tiến hành lấy mẫu gửi các trung tâm kiểm nghiệm bên ngoài gồm: Trung tâm Quatest 2 và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên Huế để phân tích các chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật và chất lượng nước sau xử lý được Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh lấy mẫu xét nghiệm.
Kết quả chất lượng nước sông Thừa Lưu đạt QCVN 08:2015/BTNMT (chất lượng nước mặt sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt); chất lượng nước sau xử lý đạt QCVN 01:2009/BYT (chất lượng nước ăn uống).
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà máy nước Lăng Cô (trực thuộc nhà máy nước HueWACO) hoạt động với công suất 8.000m3 hiện đang cung cấp nước cho 4 xã, thị trấn trong khu trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô gồm Lộc Tiến, Lộc Thủy, Lộc Vĩnh và Lăng Cô.
Trước đây, nhà máy sử dụng nguồn nước từ suối Voi và suối Bàu Ghè. Từ năm 2019 đến nay, do tình trạng khô hạn, công ty HueWACO sử dụng thêm nguồn nước của sông Thừa Lưu.
Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần