Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 được đánh giá là đầy thách thức vì các động lực quan trọng của nền kinh tế như xuất khẩu, cầu trong nước, quy mô sản xuất... đều có xu hướng giảm. Dư địa hỗ trợ tăng trưởng cũng sẽ hạn hẹp hơn vì chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn phải "để mắt" tới lạm phát.
Theo tính toán, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với GDP tăng thêm 0,06%. Chính vì vậy, trong bối cảnh nhiều động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trên đà suy giảm, đầu tư công được kỳ vọng là động lực rất lớn cho phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital Michael Kokalari nhận định, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng lên 30 tỷ USD năm 2023 so với khoảng 16 tỷ USD chi tiêu trung bình hàng năm cho cơ sở hạ tầng trong 5 năm qua sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP.
Nguồn vốn đầu tư công tiếp tục tập trung, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông quan trọng quốc gia và hạ tầng đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng nhằm hỗ trợ các vùng phát triển, tạo ra các khu vực và cực tăng trưởng mới. Theo đó, hàng loạt địa phương, ngành nghề DN có thể sẽ được hưởng lợi lớn.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Khải đánh giá, khi các DN đang gặp nhiều khó khăn thì việc Quốc hội phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư công trên 700.000 tỷ đồng cho thấy quyết tâm rất cao trong việc đầu tư các công trình trọng điểm quan trọng quốc gia, nhất là các dự án đường cao tốc đã được thông qua có tính liên kết vùng, tạo động lực, lan tỏa và giữ đà tăng trưởng kinh tế của đất nước.
"Cử tri mong muốn nguồn vốn này sẽ được giải ngân hết trong năm 2023, qua đó tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" - ông Khải nhấn mạnh.
Từ những ngày đầu năm, một số dự án trong 12 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã sôi động thi công. Tại Hà Nội, dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) được khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 62,5% kế hoạch vốn. Dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trụ cầu giữa lòng sông.
Dự kiến, tháng 9/2023, dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác, giảm áp lực cho giao thông ở thủ đô… Hàng loạt bộ ngành, địa phương đồng loạt ra chỉ thị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.
Theo Nghị quyết 01, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh vấn đề hoàn thiện cơ chế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc vừa qua Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tự hạ bậc thi đua vì TP giải ngân vốn đầu tư công thấp đã tạo tiền lệ tốt khi người đứng đầu nhận trách nhiệm vì địa phương không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.
Những năm qua tình trạng giải ngân chậm, đầu tư công hiệu quả chưa cao được nói nhiều, thậm chí có đơn vị xin trả lại vốn. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nhìn nhận trực diện vào những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Chẳng hạn, chuyện kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp; trách nhiệm người đứng đầu... Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện.