Hướng đi không chỉ góp phần chuyển đổi hiệu quả mô hình sản xuất - kinh doanh, mà còn giúp gia tăng lợi ích kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên các HTX.
Hiệu quả tích cực từ liên kết chuỗi
Được thành lập năm 2002, HTX Bắc Hồng là đơn vị tiên phong phát triển vùng rau an toàn tại huyện Đông Anh. Hiện, tổng diện tích canh tác của HTX khoảng 30ha, trong đó có 5ha thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Để nâng cao chất lượng rau, củ, quả, HTX Bắc Hồng đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; xây dựng nhà sơ chế rộng hàng trăm mét vuông nhằm kéo dài thời gian bảo quản cho rau, củ, quả, giữ cho sản phẩm luôn được tươi ngon...
Chủ tịch HĐQT HTX Bắc Hồng Nguyễn Tuấn Hồng cho biết, hiện nay, trung bình mỗi ngày HTX cung ứng cho thị trường Hà Nội từ 6 - 7 tấn rau, củ, quả các loại. “Nhờ chất lượng sản phẩm được đảm bảo, HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ với một số kênh phân phối lớn như siêu thị Big C, hệ thống bán lẻ T-mart… Sản lượng rau, củ, quả còn lại được tiêu thụ qua hợp đồng ký kết với các trường học, bếp ăn tập thể...” - ông Nguyễn Tuấn Hồng chia sẻ.
Tại huyện Thanh Oai, HTX Hoàng Long cũng được đông đảo người tiêu dùng biết đến với chuỗi giá trị từ sản phẩm thịt lợn sinh học. Trang trại khép kín của HTX này đang chăn nuôi hơn 4.000 con lợn. Kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học được đơn vị áp dụng xuyên suốt quá trình sản xuất. Nhờ đó, năng suất đàn lợn và chất lượng thịt luôn được bảo đảm. Hiện, HTX Hoàng Long cũng đã xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm thịt lợn sinh học. Đến nay, thịt lợn mang thương hiệu AZ của HTX đã có mặt trên kệ hàng của nhiều siêu thị, cửa hàng cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn Hà Nội và cả nước.
Điều đáng mừng, tại Hà Nội, những mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị như HTX Bắc Hồng hay HTX Hoàng Long hiện không còn hiếm gặp. Ngoài các đơn vị sản xuất, nhiều HTX thực hiện cung cấp dịch vụ đầu ra, hỗ trợ tích cực cho các thành viên trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Một số HTX đang thực hiện tốt vai trò bao tiêu sản phẩm có thể kể tới như HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm); HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh); HTX rau, quả an toàn Hồng Hà (huyện Phú Xuyên); HTX Tam Hưng (huyện Thanh Oai); HTX Nông lâm Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn)…
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Thống kê cho thấy, toàn TP hiện có 80 HTX đã xây dựng và đang phát triển có hiệu quả các mô hình chuỗi liên kết giá trị với các tổ chức, DN, chủ yếu là trong sản xuất nông nghiệp. “Việc liên kết sản xuất - kinh doanh theo chuỗi không những nâng cao năng lực quản lý cho hội đồng quản trị, mà còn giúp các thành viên yên tâm sản xuất bởi có hợp đồng tiêu thụ ổn định…” - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao Đàm Văn Đua cho hay.
Theo đánh giá của Chủ tịch Liên minh HTX TP Đỗ Huy Chiến, nhìn chung các HTX trên địa bàn Hà Nội đã quan tâm đến hoạt động liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng về kinh tế. Dù vậy, thực tế số lượng HTX tham gia các chuỗi giá trị còn thấp so với tổng số HTX hiện có.
Để phát triển các HTX gắn với chuỗi giá trị ngành hàng, việc nâng cao năng lực hoạt động cho HTX là đòi hỏi cấp thiết đặt ra. Theo đó, trong năm 2023, Liên minh HTX TP sẽ đẩy mạnh việc thực hiện các kế hoạch, chương trình hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể của T.Ư và Hà Nội. Trọng tâm là Đề án của TP về “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương giai đoạn 2021 - 2025”.
Liên minh HTX TP cũng sẽ lựa chọn các HTX có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với DN, mô hình các HTX ứng dụng công nghệ cao. Rà soát hoạt động của các HTX để củng cố, tổ chức lại; đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản trị cho lãnh đạo các HTX.
Ước đến hết năm 2022, trên địa bàn Hà Nội có 2.021 HTX đang hoạt động, trong đó có 1.314 HTX hoạt động hiệu quả (chiếm khoảng 65% tổng số HTX). Doanh thu bình quân hằng năm của các HTX đạt khoảng 2,5 tỷ đồng. Thu nhập trung bình của thành viên các HTX là trên 57 triệu đồng/người/năm.