Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thúc đẩy liên thông thủ tục hành chính

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; phối hợp thực hiện liên thông các thủ tục trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng… Đó là một trong những giải pháp được TP Hà Nội đặt ra trong kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước năm 2021.

Làm thủ tục hành chính tại quận Tây Hồ. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều cách làm sáng tạo
Năm qua, Hà Nội tiếp tục tạo thêm những điểm sáng trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Trong đó, TP tiếp tục thực hiện tốt công tác chuẩn hóa thủ tục hành chính (TTHC), kiểm soát việc công bố thủ tục. TP đã ban hành 35 quyết định thông qua phương án đơn giản hóa TTHC, công bố danh mục, các quy trình giải quyết nội bộ TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế trên một số lĩnh vực: Ngoại vụ, VHTT, GTVT, tài chính, TNMT, LĐTBXH…

Tại các đơn vị, nhiều cách làm hay nhằm tạo điều kiện cho các DN, cá nhân được thực thi. Như huyện Chương Mỹ thí điểm thành công mô hình “Một cửa hiện đại, thân thiện, gần dân” tại thị trấn Xuân Mai và thị trấn Chúc Sơn (quét mã vạch kèm theo đánh giá hài lòng, thanh toán biên lai điện tử, trả kết quả đăng ký khai tử tại nhà…). Quận Hoàn Kiếm rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… Sở Y tế, Sở GS&ĐT, các quận, huyện: Hà Đông, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Hoài Đức đã triển khai Chính quyền điện tử của đơn vị mạng xã hội (Zalo, Facebook) nhằm giúp người dân, tổ chức dễ dàng tiếp cận thông tin các TTHC của đơn vị cung cấp. Quận Hà Đông triển khai giải pháp “Nhận diện khuôn mặt trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa của quận”. Huyện Thanh Oai thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại nơi ở. Quận Cầu Giấy tổ chức tọa đàm trực tuyến đồng thời ra mắt trang thông tin toạ đàm trực tuyến nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người dân, tổ chức về về đối thoại TTHC...

Tính đến cuối năm 2020, TP đã cung cấp cho người dân và DN 1.685 TTHC qua DVCTT mức độ 3,4 (đạt 100% tổng số TTHC đủ điều kiện để triển khai). Trong đó, DVCTT mức độ 3 là 1.217 TTHC; DVCTT mức độ 4 là 468 TTHC. Việc giải quyết hồ sơ TTHC, DVCTT các cấp thực hiện tập trung tại hệ thống một cửa điện tử TP dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế).

Tăng cường kiểm tra công vụ

Trên cơ sở kết quả đã có, năm 2021, TP đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đề ra trong năm 2021, gồm: Phấn đấu mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và DN về giải quyết TTHC của TP đạt tối thiểu 85%; tối thiểu 99% số hồ sơ TTHC được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn; 30% TTHC cung cấp mức độ 3 và 4 được tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, đảm bảo 100% các cán bộ, công chức, viên chức tiếp dân, giải quyết hồ sơ công việc được bồi dưỡng về kỹ năng văn hóa giao tiếp, ứng xử, kỹ năng phối hợp làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết hồ sơ trực tuyến; 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng, nâng cao năng lực, nhận thức đầy đủ về các Chỉ số PARINDEX, SIPAS, PAPI… Đặc biệt là tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ DN và Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; gắn với chủ đề công tác năm của TP “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, đổi mới và phát triển”.

Nhiều giải pháp sẽ được tiếp tục triển khai, trong đó, rà soát, thống kê, tổng hợp xây dựng quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài nguyên và môi trường, lao động thương binh và xã hội. TP cũng yêu cầu các đơn vị, quận, huyện triển khai kế hoạch kiểm tra công vụ, CCHC theo hình thức đột xuất, không báo trước; bảo đảm 100% cơ quan, đơn vị được kiểm tra ít nhất một lần trong năm… Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường kiểm tra công vụ ở một số lĩnh vực: Tư pháp (TTHC liên quan đến chứng thực xác nhận), Quản lý trật tự xây dựng (TTHC liên quan đến cấp phép xây dựng), TNMT (TTHC liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở)…
Thời gian qua Hà Nội cũng xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số: Xây dựng Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; số hóa kết quả giải quyết TTHC đang được quản lý, lưu trữ bằng văn bản giấy; phát triển cổng dịch vụ công TP, hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP, kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ số…