Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tăng thu bền vững

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, công tác thu ngân sách đã nỗ lực về đích trước hạn.

Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, nuôi dưỡng nguồn thu là giải pháp để tăng thu ngân sách bền vững mà các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2023.

Miễn, giảm, gia hạn trên 193.000 tỷ đồng cho người dân và DN Thông tin từ Bộ Tài chính, đến ngày 15/12/2022, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so với dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội. Tỷ lệ động viên vào NSNN xấp xỉ 18% GDP (vượt mục tiêu 15,2% GDP). Thu ngân sách T.Ư vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán.

Sản xuất tại Nhà máy thép Đa Liên thuộc Cụm Công nghiệp làng nghề cơ - kim khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất). Ảnh: Công Hùng
Sản xuất tại Nhà máy thép Đa Liên thuộc Cụm Công nghiệp làng nghề cơ - kim khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất). Ảnh: Công Hùng

Đây là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Để đạt được kết quả tích cực này, nhiều giải pháp đồng bộ đã được Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tích cực triển khai, đặc biệt là đẩy nhanh các gói hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo đó, nhiều chính sách mới, chưa có tiền lệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu đã được đề xuất, thông qua và thực hiện hiệu quả. Các chính sách này đã được cộng đồng DN và người nộp thuế đánh giá cao.

Đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Bắc Giang cho biết, việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu đã làm giảm đáng kể chi phí cho DN, tạo điều kiện tiết giảm chi phí, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh.

Năm 2022, DN này được giảm, giãn thuế hàng chục tỷ đồng. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, Công ty đã đưa thêm một dây chuyền sản xuất giấy mới đi vào hoạt động. Dây chuyền sản xuất này được đầu tư với trị giá 200 tỷ đồng. Nhờ vậy, xuất khẩu 10 tháng của DN đã tăng từ 20 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cũng có thêm nhiều hợp đồng mới, thu nhập của công nhân tăng lên, việc sản xuất, kinh doanh được mở rộng, doanh thu dự kiến vượt kế hoạch năm.

Trước đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 do Quốc hội ban hành với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ đã được triển khai. Các chính sách thuế trong chương trình đã hỗ trợ giảm 2% thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng, góp phần kiểm soát lạm phát với số tiền hỗ trợ khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất quy mô 135 nghìn tỷ đồng…

Đặc biệt, trong bối cảnh giá xăng, dầu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu… đã được thông qua.

Dự kiến, thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho DN và người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/12/2022, đã thực hiện miễn giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí lớn nhất trong lịch sử ngành Tài chính.

“Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN, doanh nhân, kết quả thu ngân sách Nhà nước đã đạt những kết quả hết sức tích cực. Nguồn thu từ thuế, phí đã ngày càng bền vững và đảm bảo cho đầu tư phát triển, duy trì bộ máy, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết.

Ngoài ra, việc tiên phong chuyển đổi số của cơ quan thuế, hải quan cũng giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính, tạo thuận lợi cho DN, người nộp thuế. Bộ Tài chính cũng triển khai nhiều hệ thống ứng dụng, dịch vụ số phục vụ người dân, DN, như cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết.

Hiện Bộ Tài chính có 464 DVCTT mức độ 3,4, đạt tỷ lệ gần 60%. Đồng thời, triển khai các ứng dụng như cấp mã số, hóa đơn điện tử, Etax Mobile… Đến nay, trên cả nước 100% số DN đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và 100% hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển sang sử dụng HĐĐT, với tổng số HĐĐT đã được phát hành là trên 2,1 tỷ hóa đơn.

Nuôi dưỡng nguồn thu, rà soát mở rộng cơ sở thuế

Theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ DN, nuôi dưỡng nguồn thu, miễn, giảm, gia hạn thuế có tác động rất tích cực đến công tác thu ngân sách.

PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, chính sách thuế đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế. Chính sách gia hạn nộp thuế đã hỗ trợ nguồn tài chính, tăng khả năng thanh khoản khi DN, hộ kinh doanh gặp khó khăn bởi sự suy giảm của thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ do ảnh hưởng của Covid-19.

"Tuy số tiền hỗ trợ DN và hộ kinh doanh thông qua chính sách miễn, giảm thuế không quá lớn, song nguồn tài chính này đã dành cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất là DN, hộ kinh doanh có thêm nguồn vốn duy trì sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, tạo đà cho tăng trưởng” - ông Trường nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, kết quả thu ngân sách tích cực đã góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho DN phát triển, tạo công ăn việc làm, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.

Thủ tướng yêu cầu, năm 2023, Bộ Tài chính cần tiếp tục tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế. Quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước.

Để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023, Bộ Tài chính đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Đó là tổ chức điều hành chi NSNN năm 2023 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN, bảo đảm dự toán thu NSNN. Tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số mạnh mẽ với mục tiêu tiến tới tài chính số. 

 

"Năm 2022, Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Chính phủ, tạo thuận lợi thương mại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt mốc 700 tỷ đô la, đạt mốc tương đương thứ 20% thế giới.

Dự kiến, đến hết 31/12 sẽ đạt mốc 750 tỷ đô la. Đây là nỗ lực lớn trong tháo gỡ, tạo thuận lợi thương mại, cải cách hành chính, tự động hóa hải quan tự động khai nộp moi lúc, mọi nơi không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới.

Chỉ cần có internet là có thể thông quan hàng hóa. Điều này đã được DN và các nhà đầu tư đánh giá cao, cũng vừa là bài học, vừa là kinh nghiệm của năm 2023." - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn

"Sự hỗ trợ về các chính sách thuế của Nhà nước giúp cho chúng tôi có động lực và sức mạnh để phát triển. Trước hết, chúng tôi đảm bảo được công ăn việc làm cho 600 cán bộ, công nhân viên và cũng đóng góp lại nghĩa vụ với ngân sách. Năm ngoái chúng tôi đóng thuế 207 tỷ đồng nhưng năm nay khả năng sẽ lên 220 tỷ đồng." - Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Bắc Giang Hà Ngọc Hoa

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần