Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thúc giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công đã có tín hiệu tích cực. Các bộ, ngành địa phương đang thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm 2024, phấn đấu đạt 95% kế hoạch.

Tăng tốc các công trình trọng điểm


Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, tháng 1/2024, số vốn đầu tư công giải ngân đạt khoảng 16.900 tỷ đồng, tương đương 2,58%. Trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 1,8% với số vốn giải ngân là 12.800 tỷ đồng. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 1/2024 khởi sắc là nhờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao, xác định rõ vấn đề vướng mắc, khó khăn trong từng ngành, từng lĩnh vực, trong từng khâu của dự án đầu tư công.

Nhiều công trình giao thông quan trọng đã được thi công xuyên Tết Giáp Thìn với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "thi công ba ca - bốn kíp" để đạt và vượt tiến độ. Đơn cử như 12 dự án thành phần giai đoạn 2021 - 2025, năm đầu triển khai còn vướng mắc nhiều về mặt bằng và vật liệu xây dựng, nhưng các chủ đầu tư, nhà thầu đã nỗ lực tổ chức thi công, bám sát tiến độ đề ra.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội đang được tích cực triển khai thi công. Ảnh: Phạm Hùng
Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội đang được tích cực triển khai thi công. Ảnh: Phạm Hùng

Các dự án cao tốc khác như Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang; Cao Lãnh - An Hữu; Bến Lức - Long Thành đang được các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai bám sát tiến độ đề ra.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và dự án Bến Thành - Suối Tiên đang được Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong hợp đồng, đào tạo nhân sự, hoàn tất thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, nghiệm thu công trình, chứng nhận an toàn hệ thống để phấn đấu vận hành đoạn tuyến Nhổn - ga Hà Nội và dự án Bến Thành - Suối Tiên vào tháng 7/2024.

Với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, các gói thầu như nhà ga hành khách, công trình phục vụ quản lý bay đã được Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai bám sát tiến độ.

Ở địa phương, nhiều tỉnh, TP cũng chủ động thực hiện giải ngân ngay từ đầu năm 2024. Tất cả đều tăng tốc độ thi công, giải ngân vốn theo tinh thần chủ động “chạy đua với thời gian”, ý thức hơn trong việc vào cuộc từ đầu năm, cố gắng tranh thủ thời gian nhằm giải ngân vốn đầu tư công ở mức tối đa.

Thanh Hóa vừa ban hành chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Theo đó, từng chủ đầu tư phải giải ngân vốn do mình quản lý, theo các mốc thời gian, bảo đảm đến ngày 30/6/2024 phải đạt ít nhất 50% kế hoạch vốn; đến ngày 30/9 đạt 70%; đến ngày 30/11 đạt 90% và đến ngày 31/12/2024 phải đạt 100%. Tỉnh thành lập 5 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tỉnh Bắc Giang có chế tài xử lý nghiêm chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Chủ tịch UBND tỉnh này khẳng định sẽ kịp thời thay thế cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà; kiên quyết xử lý hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý, thực hiện đầu tư công.

Phát huy hiệu quả đầu tư công, bảo đảm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội quán triệt quan điểm chỉ đạo là vốn đầu tư công phải được giao ngay từ đầu năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; quyết liệt triển khai nhiệm vụ ngay từ ngày đầu, tháng đầu tiên của năm 2024, tránh tình trạng dồn giải ngân vào cuối năm.

 

 

Phát huy kết quả đã đạt được trong năm 2023, thực hiện quyết liệt các giải pháp trong công tác giải ngân ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 vẫn được kỳ vọng sẽ đạt tỷ lệ cao. Từ đó, nhiều công trình, dự án tiếp tục được hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp cho nền kinh tế của từng địa phương phát triển, tạo bước đột phá cho nền kinh tế của cả nước.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung

 

Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục... là những công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao. Hà Nội phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2024 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao.

Phân bổ vốn kịp thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Năm 2024 là năm tăng tốc để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Nguồn vốn đầu tư công không chỉ là một trong những động lực quan trọng, một sự kích thích quan trọng có tác dụng lan tỏa tới các nguồn vốn khác, mà còn là “mệnh lệnh” để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024 toàn quốc dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là hạ tầng giao thông, phấn đấu giải ngân ít nhất 95%.

Mặc dù tổng vốn đầu tư công năm 2024 giảm nhẹ so với năm 2023 nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tình hình quốc tế dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, để đạt mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn đầu tư công được giao, cần nhiều giải pháp quyết liệt từ tất cả các cấp, ngành, địa phương và chủ đầu tư.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua đã cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung nguồn lực vào các công trình lớn, dự án giao thông trọng tâm, trọng điểm, nhất là dự án đường cao tốc. Đồng thời, ông cho biết, năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt số vốn giao cho các bộ ngành, địa phương đã đạt khoảng 97%... số tuyệt đối đạt gần 676.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146.000 tỷ đồng so với năm 2022. Dù các đơn vị nỗ lực thúc đẩy các dự án, nhưng một số công trình chậm do thủ tục đầu tư kéo dài, giải phóng mặt bằng chậm, chưa chủ động nguyên vật liệu do vướng quy định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, năng lực phân tích, lập kế hoạch, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, khó khăn vướng mắc phát sinh; làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực. Tiếp đó là việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực…

Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, một động thái rất chủ động được ghi nhận là ngay sau khi Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện phân bổ số vốn đạt tới 632.000 tỷ đồng, tức là gần 97%. Đây là cơ sở và điều kiện quan trọng để thúc đẩy triển khai các dự án, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các tổ công tác đôn đốc, giải ngân vốn đầu tư công; trực tiếp làm việc, nắm bắt, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc ở địa phương ngay từ đầu năm.

 

Việc trao quyền cho địa phương thực hiện thực chất là giao trách nhiệm để đảm bảo tiến độ dự án, đồng thời cũng tạo cơ chế để giám sát tốt hơn. Bên cạnh sự giám sát của cơ quan quản lý ở T.Ư thì người dân địa phương cũng được tham gia nhiều hơn trong quá trình giám sát đầu tư, thực hiện hoạt động của dự án.
Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội - GS.TS Hoàng Văn Cường 

 

Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với nâng cao năng lực thực thi, phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát; phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 đoàn công tác của các Thành viên Chính phủ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương.

“Năm 2024, về cơ bản các dự án đầu tư công, dự án quan trọng quốc gia, có tính lan tỏa, liên kết vùng đã hoàn thành thủ tục, là cơ sở tạo niềm tin năm 2024 có thể giải ngân tốt vốn đầu tư công” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định.