Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: Một số đề xuất bước đầu
Song, mục tiêu của Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới tại xã Thụy Hương nói riêng và 11 xã điểm của T.Ư nói chung là không chỉ xây dựng thành công mô hình điểm, mà còn thông qua công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện rút ra được kinh nghiệm để có thể nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, bước đầu tôi xin đề xuất một số nội dung như sau:
Nên để cấp ủy trực tiếp chỉ đạo
Hiện nay, ở một số tỉnh, thành phố đã thành lập các Ban chỉ đạo (BCĐ) hoặc các Ban điều phối do UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo và một số tỉnh, thành phố thành lập BCĐ do Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo. Đây là một chương trình rất lớn, khó thực hiện, liên quan tới cả hệ thống chính trị và toàn dân, do vậy để tập trung chỉ đạo nên thành lập BCĐ do cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, từ Tỉnh - Thành ủy xuống tới cấp xã.
Không cần mỗi xã một chợ
Về triển khai thực hiện, quá trình tổ chức triển khai thực hiện mô hình điểm tại xã Thụy Hương nói riêng và toàn Thành phố theo tinh thần Quyết định 800 của Thủ tướng nói chung bộc lộ một số vấn đề cần điều chỉnh. Đó là một số tiêu chí như tiêu chí giao thông nông thôn, bởi theo Quyết định 491 của Thủ tướng Chính phủ, một xã đạt tiêu chí "nông thôn mới" phải có 100% đường liên thôn được cứng hóa theo tiêu chuẩn của Bộ GTVT, trong khi rất nhiều xã ở vùng đồng bằng Bắc bộ (thậm chí ngay tại Hà Nội) vẫn là xã miền núi. Bên cạnh đó, tiêu chí chợ cũng cần được xem xét, bởi một số xã không cần xây dựng chợ đạt tiêu chuẩn của Bộ Công Thương như yêu cầu của Bộ tiêu chí vì có nơi 2 xã chỉ cần họp chung một chợ (thực tế toàn TP Hà Nội chỉ có 386 chợ /401 xã). Hoặc xã gần ven thị trấn, thị tứ người dân giao dịch mua bán chủ yếu là ở trung tâm thương mại, hoặc chợ của thị trấn, thị tứ (như xã Song Phượng, huyện Đan Phượng). Hoặc có những địa phương lâu đời nay người dân giao dịch, dịch vụ thương mại ở những điểm chợ nhỏ truyền thống đầu xã một điểm, cuối xã một điểm, nay thực hiện xây dựng nông thôn mới địa phương chỉ đề nghị cải tạo nâng cấp cho sạch sẽ hơn, không cần xây dựng theo qui chuẩn của Bộ Công Thương (như xã Cổ Đô, huyện Ba Vì)…
Bộ Tiêu chí Quốc gia cũng quy định, xã đạt nông thôn mới phải có "tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp" chung là dưới 30%, đồng bằng Bắc bộ dưới 25%. Song thực tế ở Hà Nội, một số xã tuy là lao động nông nghiệp nhưng lại là lao động sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, thu nhập của người dân đảm bảo theo tiêu chí, như xã Tây Tựu - Từ Liêm có nghề chuyên trồng hoa cây cảnh, đã nhiều năm nay tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của xã là 45,8%, rất khó giảm…
Quy hoạch khó hoàn thiện đúng tiến độ
Về quy hoạch nông thôn mới, đây là một tiêu chí rất quan trọng và cần đi trước, và nếu hiểu đúng thì có quy hoạch xong mới triển khai các tiêu chí khác được, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đang rất lúng túng. Mặc dù đã kết thúc giai đoạn triển khai xây dựng mô hình điểm tại 11 xã, nhưng đến nay mới có thông tư hướng dẫn quy hoạch xã NTM của liên Bộ NN&PTNT- Xây dựng - TN&MT, trong khi Quyết định 800 của Thủ tướng yêu cầu công tác quy hoạch xã nông thôn mới phải hoàn thành trong năm 2011. Như vậy rất khó cho công tác chỉ đạo điều hành, nhất là với những tỉnh, thành phố đã và đang nhân rộng mô hình như tại Hà Nội.
Về vấn đề tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho nông dân để nâng cao đời sống thực hiện nhóm tiêu chí "kinh tế và tổ chức sản xuất" là vấn đề rất khó khăn. Bản thân sản xuất nông nghiệp có nhiều rủi ro, trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày một bị thu hẹp, dân số ở nông thôn vẫn chiếm đa số (toàn quốc khoảng 70%, Hà Nội khoảng 4,07 triệu người, chiếm 63,1%), chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tuy có được quan tâm nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa mặn mà với lĩnh vực này. Do vậy vấn đề phấn đấu tiêu chí thu nhập của người dân trong xã đạt tiêu chí nông thôn mới "gấp 1,5 lần mức bình quân chung khu vực nông thôn cùng thời điểm của tỉnh, thành phố" là khó khăn, đặc biệt với những xã thuần nông, xa trung tâm… Tiêu chí này cũng cần giãn thời gian và thay đổi khái niệm cho phù hợp với tình hình.
Vấn đề con người
Nội dung xây dựng nông thôn mới bao gồm toàn bộ các lĩnh vực: Quy hoạch; xây dựng cơ sở hạ tầng; kinh tế, tổ chức sản xuất; văn hóa, xã hội, môi trường; an ninh, trật tự xã hội... Một việc lớn và khó, liên quan tới cả hệ thống chính trị như vậy lại diễn ra tại nông thôn, trong khi đội ngũ cán bộ cấp xã nhìn chung trình độ còn hạn chế. Một Chủ tịch UBND xã làm chủ đầu tư cả một đề án hàng trăm tỷ đồng gồm nhiều dự án, nhiều nội dung thành phần rất phức tạp. Trong khi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của T.Ư hiện nay mới đang ở giai đoạn chuẩn bị kế hoạch, hoàn tất nội dung để thực hiện theo Quyết định số 1003/2011/QĐ-BNN ngày 18/5/2011 của Bộ NN&PTNT nhưng toàn quốc đã, đang chỉ đạo thực hiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia tại Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ… Đây cũng là một vấn đề khó khăn, bất cập cần phải khắc phục. Thực tế hiện nay, Hà Nội phải vừa xếp hàng, vừa chạy; tức là vừa thực hiện theo Quyết định 1003, vừa chủ động giao cho chuyên gia là trưởng các phòng chuyên môn của các sở, ban, ngành trong tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Thành phố nghiên cứu soạn thảo và tổ chức tập huấn theo hình thức chỉ tay dắt việc cho cán bộ cơ sở. Mặc dù còn nhiều bất cập, nhưng Hà Nội vẫn đang có những bước đi tương đối bài bản, căn cơ trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.