Chi trả trợ cấp cho hơn 1 triệu người có công
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã đề nghị các địa phương như vậy tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 ngành LĐTB&XH, được tổ chức tại Quảng Bình ngày 18/7.
6 tháng đầu năm 2024, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn.
Bộ LĐTB&XH cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tăng 35,7%.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 1.091.324 người có công, với kinh phí ước khoảng 16,104 nghìn tỷ đồng. Bộ LĐTB&XH đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới 239 Bằng Tổ quốc ghi công, cấp lại 4.651 Bằng Tổ quốc ghi công, cấp trích lục 86 hồ sơ, tra cứu hơn 5.500 bộ hồ sơ. Cùng với đó, các địa phương làm tốt công tác chăm sóc, điều dưỡng người có công và các phong trào đền ơn đáp nghĩa.
Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ ban hành nghị định số 75/2024/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo trợ xã hội và trợ cấp hàng tháng. Ước đến hết tháng 6, có khoảng 18,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 39,05%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 14,2 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình quốc tế, trong nước có nhiều diễn biễn nhanh, phức tạp, khó lường. Trước khó khăn đó, Bộ LĐTB&XH đã tham mưu cho Trung ương ban hành triển khai Nghị quyết số 42-NQ-TW với rất nhiều vấn đề lớn, nền tảng. Theo đó, chuyển từ an sinh xã hội sang chính sách xã hội, từ ổn định và đảm bảo sang bảm bảo và phát triển. Tiếp đến, Bộ LĐTB&XH tham mưu cho Quốc hội ban hành và sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với 9 nội dung đột phá.
Triển khai tốt các chính sách an sinh xã hội
Trong những tháng cuối năm 2024, Bộ LĐTB&XH và các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Cùng với đó là thực hiện đầy đủ chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; hoàn thiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích; đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt. Các địa phương thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, điều dưỡng người có công với cách mạng, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Bên cạnh đó, các địa phương nâng cao mức trợ cấp xã hội, mở rộng đối tượng trợ giúp xã hội; triển khai đồng bộ những giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, bao trùm, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ xã hội cơ bản...
Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh việc tập trung nghiên cứu tham mưu cơ chế, chính sách, hoàn thiện các chính sách để trình Quốc hội. Các địa phương cần tham mưu nhiều hơn cho cấp ủy chính quyền triển khai tốt các chính sách liên quan tới đảm bảo an sinh xã hội; và thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời những chính sách xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực người có công và bảo trợ xã hội.
Đối với lĩnh vực người có công, hình thành ngân hàng Gen AND liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân trực tiếp đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư.
Bộ LĐTB&XH cũng đề nghị các địa phương thực hiện hiệu quả Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật và các chương trình, đề án, chính sách về trợ giúp xã hội. Song song với đó là thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, đột xuất đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; đẩy mạnh chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế, lao động xã hội cho người có công, người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em.