Trợ lực cho người nghèo
Hoàn cảnh khó khăn, gia đình chị Đinh Thị Hạnh (26 tuổi, người H’re, thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành) đã được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng chính sách xã hội.
Từ số vốn này, gia đình đầu tư mua phương tiện để chồng chị làm nghề khai thác keo, mang lại nguồn thu đáng kể. Bản thân chị Hạnh cũng xin vào làm công nhân ở khu công nghiệp với thu nhập ổn định. Chăm chỉ làm ăn, cả 2 vợ chồng dần tích góp để xây sửa nhà cửa, mua sắm vật dụng và nuôi con. Hiện gia đình chị cũng đã thoát nghèo.
“Vợ chồng tôi rất cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước đã giúp nguồn vốn để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Tôi không nghĩ có ngày mình được ở trong ngôi nhà đẹp, cao ráo như thế này”- chị Hạnh chia sẻ.
Cũng tại thôn Trũng Kè 2 (xã Hành Tín Tây), gia đình chị Đinh Thị Bỉa (người H’re) quyết định dừng lại ở 2 con, không sinh thêm để tập trung phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống.
“Dù gái hay trai chỉ nên sinh 2 con để có thời gian tập trung làm ăn. Bây giờ, ngoài lo chăn nuôi heo, bò, tôi buôn bán thêm tạp hóa, chồng làm rẫy keo nên cuộc sống gia đình dần khá lên”- chị Bỉa nói.
Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn các xã miền núi ở huyện Nghĩa Hành, trong đó có những khu vực người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã đổi thay tích cực.
Nhờ chính quyền, các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cũng như triển khai hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới… nên đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Ở vùng đồng bằng, công tác giảm nghèo bền vững cũng được chú trọng với nhiều cách thức hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng.
Bà Huỳnh Thị Hơn (73 tuổi, thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận ) vừa được chính quyền trao hỗ trợ một con bò sinh sản từ chương trình giảm nghèo bền vững để phát triển kinh tế.
Bà Hơn thuộc trường hợp neo đơn, trước kia từng được hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa nhà ở. Nay được hỗ trợ bò giống, bà Hơn rất phấn khởi.
“Tôi trồng thêm cỏ để chăm sóc bò. Ngoài ra, duy trì nghề làm chổi đót nhằm tăng thêm thu nhập, quyết tâm thoát khỏi diện hộ cận nghèo”- bà Hơn bày tỏ.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, thời gian qua, chính quyền huyện Nghĩa Hành tập trung triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Riêng dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững), năm 2022-2023, huyện Nghĩa Hành đã triển khai hỗ trợ giống vật nuôi (trên 3,2 tỷ đồng) cho 115 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo tại 8 xã Hành Thuận, Hành Thịnh, Hành Tín Đông, Hành Thiện, Hành Đức, Hành Minh, Hành Dũng và Hành Tín Tây.
Đồng thời, triển khai thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chăn nuôi bò cái lai (Zebu), với kinh phí trên 1 tỷ đồng, thu hút 38 hộ nghèo và cận nghèo tham gia. Cùng với đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng đã “tiếp sức” để các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế.
Theo thống kê, tại huyện Nghĩa Hành 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.
Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 95%. Khoảng 92% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông…
Tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết, những năm qua, công tác giảm nghèo của huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm nào huyện cũng hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo được giao và không có hộ nghèo phát sinh.
Để làm được điều này, đòi hỏi phải có kế hoạch và biện pháp phù hợp. Trong đó, chú trọng việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhằm giải quyết các tồn tại như: không để tách khẩu với mục đích được vào hộ nghèo, hộ cận nghèo khi rà soát theo quy định; vận động người thân trong gia đình của đối tượng có trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ, nuôi dưỡng cha mẹ, người thân…
Mặc dù vậy, công tác giảm nghèo vẫn còn gặp một số khó khăn và tồn tại, hạn chế. Trong đó, một số ít hộ nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thật sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, rất khó để thoát nghèo.
Đặc biệt, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023, trên địa bàn huyện có đến 452 hộ nghèo không có khả năng lao động, chiếm tỷ lệ 54,19% tổng số hộ nghèo; 320 hộ cận nghèo không có khả năng lao động, chiếm tỷ lệ 21,57% tổng số hộ cận nghèo.
Từ nay đến năm 2025, huyện Nghĩa Hành tiếp tục tập trung thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, phấn đấu đến cuối năm 2024, hộ nghèo giảm còn 634 hộ, chiếm tỷ lệ 2,41%. Đến cuối năm 2025, giảm còn 469 hộ, chiếm tỷ lệ 1,77%.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm, huyện sẽ tiếp tục tập trung nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu trên. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tập huấn nâng cao năng lực cho hộ nghèo.
Đồng thời, lồng ghép hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất của các Chương trình MTQG để giải quyết nguyên nhân không có vốn sản xuất, không có kỹ năng lao động, không có phương tiện sản xuất… và chỉ đạo các địa phương thực hiện.
Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có khả năng lao động nhưng không có đất sản xuất, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đất đai (cho mượn đất, cho thuê đất.,...) để có đất phục vụ sản xuất kinh doanh nâng cao thu nhập cải thiện đời sống.
Tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận, vay vốn tín dụng ưu đãi để cùng với nguồn vốn của các Chương trình MTQG mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo hiện hành như: y tế, giáo dục, trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ giúp pháp lý… để góp phần ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo không có lao động, có người đau ốm, bệnh nặng, tai nạn.