Thực hiện khung trình độ của người làm du lịch: Cơ hội và thách thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2015, khung trình độ đánh giá và công nhận năng lực, trình độ của người làm du lịch theo chuẩn mực chung sẽ có hiệu lực ở các nước trong khối ASEAN.

Trước sức ép về mặt thời gian, giới chuyên môn không khỏi lo lắng về nguy cơ "thua ngay trên sân nhà" của du lịch Việt, khi mà công tác đào tạo nhân lực phục vụ du lịch vẫn chưa theo chuẩn của khu vực.

Nhiều lợi ích

Nhằm tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động và cân bằng cung - cầu nguồn nhân lực du lịch của các nước thành viên vào năm 2015, năm 2009, các nước ASEAN đã ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (gọi tắt là Thỏa thuận MRA - TP). Đây là khung trình độ đánh giá và công nhận năng lực, trình độ của người làm du lịch theo chuẩn mực chung của khu vực. Theo ông Trần Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch): "Nếu triển khai tốt Thỏa thuận MRA - TP, chúng ta sẽ được rất nhiều lợi ích. Người lao động sẽ có điều kiện để phát huy năng lực, được thừa nhận chuyên môn, có cơ hội làm việc tại các nước khác trong khu vực. Năng lực cạnh tranh của DN cũng sẽ được nâng lên nhờ chất lượng lao động, dịch vụ đạt chuẩn khu vực".

 
Hướng dẫn viên giới thiệu lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho khách  nước ngoài. Ảnh: Quỳnh Linh
Hướng dẫn viên giới thiệu lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho khách nước ngoài. Ảnh: Quỳnh Linh
Song ông Cường lại bày tỏ lo lắng, bởi Thỏa thuận MRA - TP vừa là cơ hội cũng là thách thức đối với du lịch Việt. "Nếu người lao động không trau dồi, nâng cao nghiệp vụ, thái độ, kiến thức và kỹ năng, chúng ta có thể "thua ngay trên sân nhà". Vì lao động các nước có thể làm việc tại Việt Nam trong khi lao động Việt Nam lại có nguy cơ bị mất việc. Đồng thời, nếu DN trong nước không nỗ lực đổi mới, phát triển để giữ chân người lao động có nghề thì bản thân DN có thể bị chảy máu chất xám, khả năng cạnh tranh suy giảm" - ông Cường phân tích. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam vẫn "vướng" trong việc thực hiện Thỏa thuận MRA - TP, vì chưa có khung trình độ nghề du lịch quốc gia, nên không có cơ sở để so sánh với với khung trình độ tương đồng trong khối ASEAN. Mặt khác, theo tiêu chuẩn nghề du lịch trong khối ASEAN, tiếng Anh là ngôn ngữ chung để sử dụng. Nhưng, ở các tiêu chuẩn nghề của Việt Nam, ngôn ngữ vẫn là tiếng Việt. Đấy là chưa kể đội ngũ giáo viên được đào tạo để truyền tải tiêu chuẩn nghề chung của ASEAN cũng còn hạn chế.

Muộn còn hơn không

Mới đây, để hỗ trợ du lịch Việt xây dựng tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia và thực hiện Thỏa thuận MRA - TP, Dự án EU (do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ) đã tiến hành cập nhật, sửa đổi Hệ thống VTOS (13 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam được Dự án EU nghiên cứu từ năm 2005 - 2010) và cho ra đời Hệ thống VTOS phiên bản mới gồm 10 bộ tiêu chuẩn. Ông Trần Đức Thắng - chuyên gia kỹ thuật đào tạo du lịch của Dự án EU tin tưởng, khi hệ thống VTOS được sử dụng rộng rãi, nhân lực phục vụ du lịch sẽ được nâng cao năng lực, từ đó, chất lượng dịch vụ của du lịch Việt Nam sẽ được cải thiện. Vì thế, hệ thống VTOS được xem như lời giải cho bài toán đào tạo nhân lực ngành du lịch hiện nay. Tổng cục Du lịch cũng đã thông qua 10 bộ tiêu chuẩn này để triển khai trong các chương trình tập huấn, đào tạo nhân lực.

Nhìn về việc thực hiện Thỏa thuận MRA - TP, ông Nguyễn Hữu Bắc (Công ty CP lữ hành quốc tế Thái Sơn TST) cho rằng: "Thời điểm này mới có hệ thống VTOS là muộn, nhưng muộn còn hơn không. Ngay từ bây giờ, các DN, trường đào tạo cần lập tức triển khai VTOS. Công ty TST đã áp dụng VTOS từ 1/12/2014. Nếu DN muốn có nhân lực đáp ứng được công việc thì phải bắt tay với trường đào tạo nghề du lịch, đưa sinh viên về làm việc, cọ xát thực tế từ năm thứ nhất, thứ 2". Tuy nhiên, không phải DN nào cũng sẵn sàng áp dụng hệ thống VTOS, nên ông Trần Đình Hà - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VHTT&DL Nghệ An) đề xuất: "Để các DN chủ động áp dụng hệ thống VTOS và liên kết với các trường đào tạo, nên đưa bậc nghề vào đánh giá xếp hạng cơ sở lưu trú, công ty lữ hành, cũng như các đơn vị vận chuyển khách du lịch". Còn theo ông Thắng, cần hài hòa hệ thống VTOS với bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia để trở thành tiêu chuẩn Nghề du lịch quốc gia chính thức. Khi đó mới có cơ sở đảm bảo các DN và các trường áp dụng VTSO vào công tác đào tạo nhân lực.

Rõ ràng khi Thỏa thuận MRA - TP có hiệu lực, nếu nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh của DN du lịch Việt không đảm bảo thì nguy cơ "thua ngay trên sân nhà" là hoàn toàn có thể. Vậy nên, cần bắt tay ngay vào việc đào tạo nghề theo chuẩn khu vực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần