Thực hư về hành lang thương mại mới cạnh tranh với Vành đai - Con đường

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hành lang thương mại, mà Nhà Trắng hứa hẹn sẽ mở ra "kỷ nguyên kết nối mới", bao gồm 2 tuyến đường riêng biệt: phía Đông nối Ấn Độ với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh và phía Bắc nối các quốc gia vùng Vịnh với châu Âu.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa), cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman bắt tay  tại Thượng đỉnh G20 ở New Delhi, ngày 10/9/2023. Ảnh: AFP
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa), cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman bắt tay tại Thượng đỉnh G20 ở New Delhi, ngày 10/9/2023. Ảnh: AFP

"Một bước ngoặt lịch sử"

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua ở New Delhi, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã công bố triển khai tuyến đường thương mại mới nối Ấn Độ với Trung Đông và châu Âu thông qua đường sắt và cảng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ có sự tham gia của Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Italia và Đức, khi nó bao gồm hai tuyến đường riêng biệt: một hành lang phía Đông nối Ấn Độ với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh và một hành lang phía Bắc nối các quốc gia vùng Vịnh với châu Âu.

Theo đó, hàng hóa và dịch vụ sẽ quá cảnh qua UAE, Ả Rập Saudi, Jordan, Israel và châu Âu. Tuyến đường mới cũng sẽ cho phép kết nối điện và kỹ thuật số, cũng như các đường ống xuất khẩu hydro sạch.

Ngồi cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed bin Sultan Al-Nahyan hôm 9/9, ông Biden nói rằng thỏa thuận được công bố tại hội nghị thượng đỉnh là "mang ý nghĩa lớn". "Thế giới đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử".

Israel - quốc gia hiện ưu tiên bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Saudi - cũng ca ngợi dự án này, kỳ vọng khi hoàn thành sẽ "thay đổi bối cảnh lịch sử và toàn cầu", đồng thời thúc đẩy tầm nhìn "hội nhập Israel với thế giới".

Một số nhà phân tích thì tin rằng hành lang này mang ý nghĩa thách thức đáng kể đối với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã khởi động sáng kiến cơ sở hạ tầng khổng lồ này vào năm 2013 và cho đến nay đã rót khoảng 1 nghìn tỷ USD vào các dự án trong đó. Tháng trước, Bắc Kinh cho biết đã ký các văn kiện hợp tác BRI với hơn 150 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế trong những năm qua.

Tuy nhiên, BRI cũng đã phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm thiếu hụt kinh phí và một số trở ngại chính trị, khiến một số dự án bị đình trệ. Trung Quốc đã bác bỏ các khẳng định về vấn đề "bẫy nợ" khi nói đến BRI, nói rằng "những cáo buộc như vậy không phản ánh toàn bộ bức tranh liên quan".

Trong một phát biểu hôm 10/9, Tổng thống Biden cho biết ông thật tâm mong muốn cải thiện mối quan hệ Mỹ - Trung, bác bỏ những bình luận tiêu cực cho rằng chuyến đi của ông tới Ấn Độ và Việt Nam vừa qua là nhằm mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Tôi không muốn kiềm chế Trung Quốc. Tôi chỉ muốn đảm bảo rằng mối quan hệ với Trung Quốc sẽ ngày càng được cải thiện" - Tổng thống Mỹ nói với báo giới tại Hà Nội hôm 10/9. 

Không nhất định phải là sự thay thế

Trên thực tế, 3 trong số các quốc gia tham gia hành lang thương mại mới hiện đang là thành viên BRI: Ả Rập Saudi và UAE đều đã ký kết với Trung Quốc, trong khi Italia là quốc gia G7 duy nhất tham gia BRI.

CNN dẫn lời ý kiến chuyên gia nhận định, đối với UAE và Ả Rập Saudi, hành lang Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu không nhất thiết phải là sự thay thế BRI của Trung Quốc.

Mohammed Baharoon - Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách công Dubai (B'huth) nói rằng hành lang này là "biểu hiện của chương trình nghị sự kết nối toàn cầu mà UAE và khu vực đang xem xét". "Nó mang ý nghĩa bổ sung, hơn là cạnh tranh với BRI của Trung Quốc, vì cả hai đều đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa, tiền bạc, con người và dữ liệu" - ông nói.

Baharoon nói thêm rằng, nếu tuyến đường mới thực sự được xây dựng như một "sự thay thế" hoặc "đối thủ cạnh tranh" với BRI của Trung Quốc, nó sẽ không phát huy được tiềm năng vốn có.

Hội nghị thượng đỉnh G20 và hành lang thương mại được Mỹ hậu thuẫn diễn ra chỉ vài tuần sau khi Ả Rập Saudi và UAE được mời trở thành thành viên của nhóm các quốc gia đang phát triển BRICS.

Nhóm này hiện bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Việc mở rộng tiềm năng lần đầu tiên trong một thập kỷ của nhóm này cũng được coi là thách thức đối với ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.

Bất chấp áp lực phải lựa chọn phe, các quốc gia vùng Vịnh vẫn khẳng định rằng họ duy trì vị thế cân bằng liên quan đến hợp tác chính trị và kinh tế trên diện rộng -  điều mà các nhà phân tích cho rằng khiến các quốc gia vùng Vịnh có tầm quan trọng chiến lược.

Một quan chức cấp cao của UAE trước đây đã nói với CNN rằng, theo quan điểm của Abu Dhabi, "việc gia nhập BRICS là để mở rộng và nâng tầm hợp tác ngoại giao của chúng tôi". Quan chức này nhấn mạnh: "Chúng tôi nhìn nhận BRICS từ góc độ kinh tế chứ không phải địa chính trị, với mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của đất nước".

Cinzia Bianco,  thành viên thỉnh giảng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu ở Berlin, bình luận: "Các quốc gia vùng Vịnh đang sử dụng tính đa cực và trật tự thế giới mới này để cố gắng đặt mình vào trung tâm của thương mại toàn cầu, cố gắng đầu tư nhiều hơn vào kết nối và toàn cầu hóa".