Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực phẩm Tết Tân Sửu 2021: Bảo đảm cả chất và lượng

Nga Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm. Vì vậy, những ngày này, nông dân Hà Nội đang tích cực sản xuất các mặt hàng nông sản, đảm bảo cả chất và lượng cung cấp cho thị trường.

Nông dân chăm sóc rau tại cánh đồng rau màu xã Trung Châu, Đan Phượng. Ảnh: Nguyễn Nga
Chủ động nguồn cung
Trên cánh đồng xã Trung Châu (huyện Đan Phượng), người dân hối hả chăm sóc rau để kịp lứa hàng phục vụ Tết. Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Châu Trần Văn Thắng cho biết, diện tích rau phục vụ dịp Tết của xã là 24ha. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Hội Nông dân đã hướng dẫn bà con canh tác theo hướng hữu cơ. “Những ngày gần Tết, nhiệt độ nóng ẩm nên rau sinh trưởng nhanh. Do vậy, sản lượng cũng như chất lượng đảm bảo” – ông Thắng nhận xét.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) đã chủ động tăng đàn lợn lên 20%. Hiện, tổng đàn của HTX có trên 7.000 con, trong đó có hơn 6.000 con lợn thương phẩm. “Nhờ xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín, chúng tôi đã tối ưu được lợi nhuận. Do đó, giá lợn phục vụ Tết Nguyên đán của HTX sẽ không biến động nhiều, chỉ dao động từ 80.000 – 100.000đồng/kg” - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoàng Long Nguyễn Trọng Long chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, hiện sản lượng gia cầm, thủy sản TP đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân; sản lượng gạo, rau, quả, thịt lợn, thịt bò… đã đáp ứng 60 – 90%. Đối với lượng thực phẩm thiếu hụt, TP đã chủ động phối hợp với các tỉnh, thành trên cả nước xây dựng được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã chủ động xây dựng được 144 chuỗi sản xuất và tiêu thụ trong chăn nuôi, trồng trọt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. “Sản phẩm nông nghiệp phục vụ dịp Tết năm nay của Hà Nội đa dạng, phong phú về chủng loại và nâng cao về chất lượng” – ông Tường khẳng định.

Giá cả ổn định

Chia sẻ về vấn đề an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, Chi cục đã yêu cầu các Trạm Thú y tại 30 quận, huyện phải nắm chắc địa bàn, thường xuyên kiểm tra đánh giá các cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật và tổ chức cho các cơ sở ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Chi cục cũng đã lấy hơn 1.700 mẫu nước tiểu, thịt động vật tại các cơ sở giết mổ, chăn nuôi, chợ buôn bán thực phẩm để kiểm tra tồn dư chất tạo nạc, ô nhiễm vi sinh vật...

Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm nông sản theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hà Nội đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm, xử lý hoặc chuyển xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Mặt khác, TP cũng nỗ lực trong việc bình ổn giá cả thị trường, hạn chế tình trạng giá cả leo thang trong dịp Tết. Hiện đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh thành, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ Nhân dân thông qua 12.443 điểm bán hàng.
Theo tính toán, nhu cầu thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Hà Nội ước khoảng 292.000 tấn gạo, 56.000 tấn thịt lợn, 19.000 tấn thịt gà, 18.000 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 315.000 tấn rau, củ, 15.000 tấn thủy hải sản, 18.000 tấn thực phẩm chế biến, 156.000 tấn trái cây.