Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thức quà chiều ngày Đông ấm

Mai Linh/Pháp luật và Xã hội
Chia sẻ Zalo

Ngọt ngào vị ngọt của đường, của mật, thơm bùi vị của nhân đậu xanh tan trong miệng, tất cả hòa quyện trong thức quà dân dã của Hà Nội.

Bánh rán từ lâu đã là thức “quà chiều” của người Hà Nội. Ảnh: TL  
Bánh rán từ lâu đã là thức “quà chiều” của người Hà Nội. Ảnh: TL  

Hà Nội mùa Thu – Đông, luôn là điểm hẹn lý tưởng của những tâm hồn yêu sự lãng mạn, nhẹ nhàng, nắng hanh hao, gió cũng hanh hao, trời chưa quá lạnh, những vệt nắng trải dài như dải lụa mềm thướt tha, vắt qua từng con phố, chao nghiêng trên cành lá những tán cây cổ thụ, ánh lên sắc vàng lóng lánh như rót mật của thảm lá ven đường. Màu xanh của những tán cây cổ thụ, xen lẫn những cơn mưa lá vàng trút xuống mặt đường tạo nên khung cảnh mùa Thu tuyệt đẹp có lẽ chỉ Hà Nội mới có.

Ngoài 4 mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông, mỗi mùa, Hà Nội mang một dáng vẻ, đặc trưng khác nhau, thì ẩm thực Hà Nội qua mỗi mùa cũng là điều níu giữ chân nhiều người, dù ai đi xa về gần, cả đối với những người con sinh sống, làm việc tại mảnh đất kinh kỳ này thì sự hiện diện mỗi thức quà chính là “chở mùa” về trên phố.

Bánh rán không chỉ có mặt ở mỗi miền quê, mà từ lâu, bánh rán đã ở trong danh sách “quà chiều” của người Hà Nội. Nói đến “quà chiều” cũng là cách nói thể hiện nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội, dùng thưởng thức vào trước giờ tan tầm, khi giờ ăn tối chưa tới mà lại có cớ ngồi hàn huyên, tâm sự sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng, trong không khí phố xá ồn ào, vội vã. Hà Nội có rất nhiều hàng bánh rán, chúng ta có thể ngẫu nhiên bắt gặp ở bất kỳ lề đường, góc phố, góc vỉa hẻ, trong con hẻm nhỏ hay trên những chiếc thúng, chiếc mẹt theo các bà, các cô khắp các con phố.

Bánh rán có nhiều loại, nhưng tôi thường thích ăn bánh rán ngọt, phổ biến nhất là bánh mật và bánh đường. Hấp dẫn nhất là vào lúc bụng đói, được nếm những chiếc bánh ngọt ngào. Trên những chiếc thúng tròn, đượm một màu mật nâu óng bóng bẩy, hay lấm tấm điểm xuyết đường trắng bao quanh. Cắn một miếng, ta cảm nhận được vị giòn từ lớp vỏ ngoài chứ không hề cứng, bánh bao mật, bao đường nhưng vị ngọt vừa tới, không bị chảy, vị ngọt dịu dần, tan trong miệng để lại dư vị thơm bùi ngọt nhẹ quyện cùng mùi vị của nhân đậu xanh thơm mềm, nhuyễn. Có thể nói vỏ bánh là phần ngon nhất của bánh rán mật. Nếu bánh rán đường sử dụng đường kính trắng thì mật của bánh rán mật lại được chế biến từ đường đen nhưng loại nào cũng ngọt vừa phải.

Bánh ngọt là loại bánh có trước và phổ biến, ngày nay để đa dạng khẩu vị và phục vụ theo sở thích của thực khách, bánh rán mặn cũng rất được ưa chuộng. Thành phần của bánh mặn chủ yếu là nhân thịt xay, mộc nhĩ,… gần giống với nhân bánh gối, tùy mỗi quán lại có công thức riêng cho nhân bánh mặn, tạo nên khẩu vị đặc trưng riêng của quán mình. Vỏ bánh rán giòn, dẻo, kết hợp với phần nhân bên trong tạo nên hương vị vô cùng hấp dẫn. Bán rán mặn ăn cùng nước chấm được nêm nếm vừa vị, hài hòa chua, cay, mặn, ngọt, kèm cùng dưa góp su hào hay đu đủ xanh cho đỡ ngấy và đặc biệt, ngon nhất khi vừa rời khỏi chảo và thưởng thức vào những ngày Đông giá rét. Những câu chuyện không đầu, không cuối của nhóm bạn tri kỷ sẽ nhờ có thức quà bình dị này đẩy đưa mà ấm áp, thân tình hơn.

Ẩm thực Hà Nội rất phong phú, có thể coi là thiên đường cho những vị khách phương xa, đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên sức hút, sức hấp dẫn rất riêng mà ít nơi nào có được. Và sức hút ấy lại được tạo nên từ chính những thức quà bình dị, gắn với tuổi thơ của biết bao người. Trong tiết trời Thu – Đông se lạnh, chẳng cần cao lương mĩ vị, nhà hàng, quán ăn sang trọng, chỉ cần ngồi túm năm tụm ba bên những xảo bánh rán hấp dẫn, hay nghe tiếng rao thân thương trong con ngõ nhỏ là ta luôn thấy Hà Nội thật đẹp, thật gần gũi.