Thuế xăng dầu đang đè nặng lên doanh nghiệp, người tiêu dùng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –  Tại Việt Nam, mỗi lít xăng dầu đang phải chịu các loại thuế như: Giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (khoảng 10%), tiêu thụ đặc biệt (8 - 10%) và bảo vệ môi trường… Và gánh nặng thuế xăng dầu đối với người tiêu dùng đang ngày càng gia tăng.

Đó là những nội dung chính trong nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình” do Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) công bố ngày 27/6.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Tác động đến kinh tế - xã hội

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) Nguyễn Đức Thành cho biết, thực tế rõ ràng cho thấy tất cả các ngành trong nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng to lớn của giá xăng dầu. Khi giá xăng dầu biến động, giá cả các mặt hàng khác cũng sẽ biến động theo, từ đó gây tác động đến tính ổn định của nền kinh tế và đặc biệt là tác động trực tiếp đến đời sống của người dân.

Hiện nay, đã có rất nhiều nguồn năng lượng mới như điện, gió, hạt nhân,... bổ trợ, nhưng chưa năng lượng nào đủ khả năng thay thế hoàn toàn cho xăng dầu. Theo dự đoán, nguồn năng lượng này chỉ có thể đáp ứng trong vài chục năm nữa.

các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Thị trường xăng dầu Việt Nam có tính độc quyền, dẫn tới rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng. Việc kiểm soát giá và điều hành giá xăng dầu nhằm giúp Chính phủ đảm bảo an ninh năng lượng. Nhưng vấn đề này có thể hình thành tình trạng các doanh nghiệp bán lẻ bị lỗ vốn, đóng cửa, rút khỏi thị trường do lợi nhuận không đảm bảo đủ chi phí kinh doanh. Từ đó ảnh hưởng đến hạ tầng năng lượng trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và cuối cùng là an ninh năng lượng quốc gia.

Theo nghiên cứu của VESS, xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng. Do đó, việc đánh các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và chi tiêu của hộ gia đình. Hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra trong nước phải chịu các loại thuế, phí như: Giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng…). Chỉ trong vòng 2 tháng (12/4/2022 – 13/6/2022), giá xăng dầu đã tăng liên tục 6 lần, vượt mức 32.000 đồng/lít và vượt đỉnh lịch sử tháng 7.2014 (26.140 đồng/lít).

Một trong những cây xăng treo biển hết hàng do thiếu nguồn cung. Ảnh: Khắc Kiên
Một trong những cây xăng treo biển hết hàng do thiếu nguồn cung. Ảnh: Khắc Kiên

Theo ông Nguyễn Đức Thành, thuế xăng dầu hiện đang đóng góp một phần quan trọng trong ngân sách Nhà nước. Việc giảm thuế sẽ dẫn tới hao hụt không hề nhỏ, gây ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế khác. Nghiên cứu của VESS cũng cho rằng, các quy định chi tiết và chặt chẽ trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP cần xem lại nhóm lợi ích muốn duy trì vị thế thị trường.

Đối với cách thức tính giá cơ sở hiện nay, báo cáo của VESS cũng đánh giá có nhiều điểm yếu khiến giá xăng dầu cơ sở không phản ánh đúng giá xăng dầu thực tế và không theo kịp sự thay đổi giá xăng dầu của thị trường quốc tế. Đơn cử, thuế tiêu thụ đặc biệt được sử dụng với mục đích hạn chế tiêu dùng xăng dầu và góp phần làm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thì việc áp thêm thuế bảo vệ môi trường là không cần thiết.

 

“Việt Nam có cách áp thuế lên mặt hàng xăng dầu tương đối khác biệt so với một vài quốc gia lớn trên thế giới và trong khu vực. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đa phần sử dụng các khoản thuế tương đối để áp lên mặt hàng xăng dầu, đồng thời là quốc gia hiếm hoi áp trực tiếp đồng thời hai khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu” - báo cáo của VESS chỉ rõ.

Cách tính thuế hoàn toàn theo tỷ lệ (thuế nhập khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT) hiện nay có thể khiến nguồn thu ngân sách bị động khi giá thế giới giảm đột ngột hoặc khuếch đại giá trong nước khi giá thế giới tăng mạnh và đột ngột (hiệu ứng gia tốc). 

Cần tính đúng, tính đủ

Từ thực tế, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các cơ quan ban ngành liên quan cần tính đúng và tính đủ giá xăng dầu cơ sở, đảm bảo cân bằng hài hòa lợi ích giữa các bên.

Mua xăng. Ảnh: Khắc Kiên
Mua xăng. Ảnh: Khắc Kiên

Nhóm tác giả khuyến nghị thay đổi cách áp hai khoản thuế Bảo vệ môi trường hoặc thuế Tiêu thụ đặc biệt theo hướng như các quốc gia khác trên thế giới là gộp hai loại vào một hoặc bỏ 1 trong 2 loại thuế trên; sử dụng thuế tuyệt đối thay vì thuế tương đối, cụ thể với thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức gợi ý là 2000 đồng/lít…

Chủ tịch Chi hội Xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) Nguyễn Thị Bích Hường thẳng thắn, hiện các chính sách về kinh doanh xăng dầu đang có nhiều bất cập. Nguyên do, từ 2022 đến nay, Chính phủ đã có yêu cầu sửa đổi Nghị định 83/NĐ-CP và 95/NĐ-CP, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. Các doanh nghiệp mong muốn sửa đổi nhanh, thông qua để khắc phục những bất cập, giúp thị trường xăng dầu ổn định hơn, giúp các doanh nghiệp phát triển và vượt qua thời kỳ khó khăn này.

Về ý kiến giá xăng dầu Việt Nam đang cao hơn nhiều nước, tôi cho rằng không nên so sánh như vậy, bởi phải đối chiếu nhiều vấn đề. Quan điểm của tôi điều hành giá xăng dầu của Việt Nam, Chính phủ rất phải cân nhắc để làm sao ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, mặt khác đảm bảo mặt bằng chung của khu vực. “Chúng ta đã biết khi giá xăng dầu của Việt Nam cao thì xảy ra buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài vào qua đường tiểu ngạch ở miền Tây, khi giá xăng dầu của Việt Nam thấp lại xảy ra buôn lậu xăng dầu biên giới từ trong nước ra ngoài. Do vậy, chính sách giá sẽ được Chính phủ nghiên cứu rất kỹ để phù hợp thị trường” – vị này nhấn mạnh.

Dãy dài các xe chờ nhận hàng tại tổng kho Đức Giang. Ảnh: Khắc Kiên
Dãy dài các xe chờ nhận hàng tại tổng kho Đức Giang. Ảnh: Khắc Kiên

Đơn cử, với giá xăng dầu lực lượng sử dụng nhiều nhất là vận tải, chẳng hạn với mức tăng từ 10 - 20% cũng không ảnh hưởng lớn, nhưng rất nhiều loại hình kinh doanh khác lấy làm lý do để tăng giá dịch vụ, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng khác. Song, không có cơ quan nào chỉ ra được những bất cập đó mà đổ hết cho giá xăng dầu. Hiện cách tính thuế của Việt Nam đối với mặt hàng xăng dầu đang ở tình trạng “thuế chồng thuế”.

Để tăng tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh xăng dầu, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp: Xem xét loại bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu của Bộ xây dựng để tăng tính cạnh tranh cho thị trường; Sửa đổi chính sách liên quan như các quy định vận hành thị trường, chiết khấu, cho phép doanh nghiệp bán lẻ được nhập xăng dầu từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau…

 

Làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện dự trữ xăng dầu quốc gia, tách chức năng chính sách khỏi chức năng kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối. Tạo lập một thị trường cho phép giá xăng dầu ở mức vừa phải so với thu nhập của người dân, đặc biệt hộ nghèo, có thể có tác động tích cực đến phúc lợi của hộ gia đình.