Thuốc đắng có dã được tật?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Động thái cắt giảm lãi suất của Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBoC) có hiệu lực từ 24/10 được các chuyên gia đánh giá là sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang phải đối mặt với quá nhiều nguy cơ.

Theo quyết định của PBoC, lãi suất cho vay kỳ hạn một năm đã giảm xuống 4,35% từ 4,6%, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/10. Lãi suất tiền gửi cũng giảm từ mức 1,75% xuống 1,5%. Mức dự trữ bắt buộc (RRR) áp dụng tại tất cả các ngân hàng cũng bị cắt giảm 0,5%. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ 6 và cắt giảm RRR lần thứ 5 trong vòng một năm qua của PBoC nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tự do hóa lãi suất.

Giảm thiểu rủi ro

Theo ông Lian Ping - chuyên gia kinh tế cấp cao của Bank of Communications, với tỷ lệ lãi suất tiền gửi và cho vay ở mức thấp sẽ giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần và giúp DN, hộ gia đình giảm chi phí tài chính. Ông Lian cho biết, hiện các công ty của Trung Quốc vẫn đang chịu áp lực thanh toán lãi suất và chi phí tài chính do chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 5,9%, đánh dấu tháng suy giảm thứ 43 liên tiếp. Đầu tuần, số liệu công bố cho thấy GDP quý III chỉ đạt mức 6,9%, ghi nhận mức thấp trong vòng 6 năm qua. Đặc biệt, sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dịch vụ đã che giấu một thực tế là giá trị danh nghĩa của sản xuất công nghiệp chỉ tăng vỏn vẹn 0,2%, kết quả tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ.
Thuốc đắng có dã được tật? - Ảnh 1

PBoC sẽ phải tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ để hoàn thành mục tiêu quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.

 
Chính sách nới lỏng tiền tệ giúp giảm bớt áp lực tài trợ cho các chính quyền địa phương. Báo cáo của hãng tư vấn JP Morgan cho biết, chương trình hoán đổi nợ của chính quyền địa phương hiện đã được mở rộng tới 3.200 tỷ Nhân dân tệ (NDT) trong năm 2015, và các ngân hàng chính sách đã phát hành lượng trái phiếu lên tới 300 tỷ NDT để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng.

Động thái cắt giảm lãi suất và RRR cho thấy các nhà điều hành chính sách của Trung Quốc cuối cùng đã quan tâm hơn đến áp lực giảm phát và gánh nặng nợ nần. Khi hoạt động sản xuất ngày càng giảm, việc cắt giảm thêm lãi suất là điều cần thiết để hỗ trợ DN, cũng như giảm gánh nặng nợ nần cho chính quyền địa phương, hạn chế đáng kể rủi ro tài chính, tạo ra môi trường tiền tệ thuận lợi hỗ trợ cho tăng trưởng ổn định.

Nỗ lực tự do hóa lãi suất

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế của UBS - bà Wang Tao nhận định, tuy PBoC đã hạ lãi suất 6 lần trong vòng 11 tháng qua nhưng lãi suất thực vẫn cao hơn so với một năm trước đây và áp lực trả nợ vẫn đè nặng lên vai các DN. Trên thực tế, lãi suất cho vay đang ở mức 7%/năm, cao hơn mức 6,3% vào cuối tháng 11 năm ngoái, vì thế vẫn còn dư địa để các nhà hoạch định chính sách tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Giới DN Trung Quốc hy vọng PBoC sẽ cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay và một lần nữa vào đầu năm 2016 để đưa lãi suất tiền gửi về mức 1%/năm và lãi suất cho vay 3,85%/năm.

Trong lúc một số chuyên gia cho rằng, động thái vừa qua có thể là sự kết thúc của chu kỳ cắt giảm lãi suất, nhiều nhà đầu tư vẫn theo đuổi quan điểm cho rằng, PBoC sẽ tiếp tục thực hiện các bước đi nhằm hiện thực hóa cam kết tự do hóa lãi suất. Mặc dù phải mất nhiều thời gian và cái giá phải trả cho việc điều chỉnh chính sách tiền tệ là khá đắt nhưng muốn “thuốc đắng dã được tật”, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ buộc phải tiến hành các đợt cắt giảm tiếp theo nếu muốn tiến gần hơn mục tiêu quốc tế hóa đồng NDT.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần