Thước đo từ những con số

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 vừa được công bố ngày hôm qua.

Dù chỉ mang tính tham khảo, nhưng qua những con số thống kê tăng giảm với từng chỉ số được khảo sát cũng là cơ hội để các ngành, các cấp lắng nghe được tiếng nói, đo lường được sự hài lòng của người dân với cơ quan công quyền.
Có thể nói rằng, về tổng thể, PAPI năm 2020 tốt hơn 2019, cải thiện ở nhiều chỉ số. Điển hình như chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở cấp địa phương” ở nhiều tỉnh, TP được đánh giá tốt hơn. Điều này cho thấy những đổi mới trong thực thi chính sách để chính quyền các cấp ngày càng cởi mở hơn, minh bạch hơn, thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn...

Đáng mừng là chỉ số được dư luận quan tâm là “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” có xu hướng thay đổi tích cực. Như các nhà phân tích đã chỉ rõ, một yếu tố tác động bậc nhất tới mức độ hài lòng của người dân với nền quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Theo kết quả PAPI 2020, từ góc nhìn của người dân, công cuộc chống tham nhũng đã và đang tác động tới các cấp chính quyền địa phương. Trong đó, người dân cảm nhận tình trạng phải hối lộ để có việc làm trong cơ quan Nhà nước, hay tình trạng “vòi vĩnh” trong dịch vụ y tế, giáo dục tiểu học công lập tiếp tục giảm đáng kể.

Không chỉ Quảng Ninh vươn lên là tỉnh dẫn đầu, nhiều tỉnh, TP cũng có những bước cải thiện ở từng chỉ số thành phần. Trong đó, về tổng thể, Hà Nội đã tăng 5 bậc so với năm trước, trong đó, chỉ số "thủ tục hành chính công" đạt số điểm ở mức cao và tăng so với năm trước. Điều đó đã cho thấy những nỗ lực của TP trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản TTHC, giảm phiền hà cho người dân và DN. Qua đó, không chỉ giúp người dân, DN thuận lợi trong thực hiện các TTHC, còn nâng cao khả năng quản lý, điều hành nhanh chóng, khoa học cho chính quyền cơ sở. Nhiều giải pháp cũng đã được TP thực thi, từ nâng cao cơ sở vật chất, tăng ứng dụng công nghệ thông tin, đến tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý công vụ…

Dù ở một số chỉ số thành phần, hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn bởi nhiều yếu tố, nhưng Hà Nội vẫn xem Chỉ số PAPI là công cụ giúp theo dõi và giám sát hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền TP; xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng cao khả năng quản lý, điều hành. Cùng với các giải pháp để nâng chỉ số thành phần, TP cũng chủ động tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; đổi mới hình thức lấy ý kiến, đo lường theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin… Đó là một trong những giải pháp để tăng hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp và đang mang lại kết quả trong thực tiễn.

Như đã nói, dù chỉ là một kênh tham khảo, nhưng chính thước đo từ chỉ số được công bố hằng năm cũng giúp mỗi đơn vị, địa phương có sự nhìn nhận, phân tích kỹ lưỡng và đề ra hướng duy trì, cải thiện của riêng mình. Điều nhiều người quan tâm là sau kết quả được công bố lần này, hy vọng những mặt mạnh sẽ được phát huy, những chỉ số yếu sẽ tiếp tục được khắc phục bằng sự quan tâm tích cực, cụ thể của các cấp chính quyền. Qua đó, sẽ thực sự cải thiện mức độ hài lòng của người dân, DN, làm đẹp môi trường đầu tư, nâng chất lượng sống của người dân, chứ không đơn thuần là làm đẹp con số.

H.B

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần